Đến Mơ H’Ra để lắng nghe hơi thở Tây Nguyên

Đến Mơ H’Ra để lắng nghe hơi thở Tây Nguyên

“Thật đáng lo ngại khi mà kho tàng di sản văn hóa cổ truyền Tây Nguyên đang từng ngày bị mai một. Rừng - không gian sinh tồn đang cạn kiệt, những khu nhà mồ hoang phế, nạn chảy máu cồng chiêng và cổ vật, những người già trong các buôn làng ra đi và mang theo những bộ sử thi, những tri thức dân gian vô giá về với đất…” đó là những trăn trở của GS, TS Tô Ngọc Thanh trước thách thức với bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên. Nhưng khi đặt chân đến làng Mơ H’Ra, có thể thấy dòng chảy văn hóa truyền thống chưa bao giờ nghưng nghỉ trong đời sống thường ngày nơi đây. Tên làng Mơ H’Ra có nghĩa là làng mới. Trước đây, làng có tên là Mơr Cơ Tu, nghĩa là làng do ông Mơr lập nên. Năm 1990, Mơr Cơ Tu chia thành hai làng Mơ Hven và Mơ H’Ra. Có thể nói, đời sống dù đổi thay thế nào thì bản sắc văn hóa của người Ba Na vẫn được lưu giữ ở nơi đây. Các nghệ nhân vẫn ngày đêm truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho lớp trẻ, lớp trẻ thì chăm chỉ học tập để gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy, làng Mơ H’Ra được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch chọn làm điểm đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới về cồng chiêng. Làng Mơ H’Ra có 73 hộ dân thì có đến 40 bộ cồng chiêng, trong đó loại chiêng Honh cổ có tới 5 bộ. Cả làng có hơn 300 người thì có tới 200 người biết đánh cồng chiêng. Trẻ em từ 7 tuổi trở lên đã có thể đánh chiêng, còn số người đánh giỏi và đánh được tất cả các bài chiêng cổ như “Ăn trâu- Sapo”, “Bỏ mả- Atâu”… thì có đến vài chục người. Các thành viên kế cận của cồng chiêng Tây Nguyên Đội hình cồng chiêng trẻ của làng cũng rất đa dạng, từ những em nhỏ mới 6-7 tuổi đến những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Ngoài những ngày tham gia lễ hội, hàng tháng làng đều tổ chức 3 buổi đánh cồng chiêng và múa xoang dưới mái nhà rông. Buổi tập nào cũng rất đông người tham gia. Con trai thì học đánh cồng chiêng, con gái thì học múa xoang. Từng động tác đều được các nghệ nhân uốn nắn, rèn rũa. Ở Mơ H’Ra, không chỉ có cồng chiêng và múa xoang. Hiện làng còn duy trì nhiều nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, làm dụng cụ săn bắn và nông cụ. Nghề dệt thổ cẩm đang có nguy cơ mai một ở nhiều buôn làng dân tộc thiểu số nhưng phụ nữ ở làng Mơ H’Ra vẫn âm thầm ngày đêm miệt mài bên khung cửi nhằm giữ nghề truyền thống của đồng bào mình ở lại với buôn làng. Những thiếu nữ múa xoang trong trang phục thổ cẩm truyền thống Gần như hộ nào cũng có khung dệt bằng gỗ, màu vải cũng là màu của lá cây rừng nên rất bền và khó phai. Người dân làng Mơ H’Ra thường sử dụng các màu đen, đỏ, vàng. Mỗi màu có ý nghĩa riêng, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ của khát vọng và tình yêu, màu vàng tượng trưng cho ánh sáng. Họa tiết trên thổ cẩm thường là những trang trí đối xứng, phản ánh quan niệm triết lý vụ trụ, triết lý âm dương, trời đất và thiên nhiên. Để dệt được tấm vải đẹp có khi mất vài tháng trời, bởi thời gian đi vào rừng tìm kiếm nguyên liệu rất công phu. Tuy gọi là nghề dệt thổ cẩm nhưng sản phẩm làm ra chỉ để dùng trong gia đình, không lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, làng Mơ H’Ra còn lưu giữ được những khu nhà mồ truyền thống với những kiến trúc độc đáo. Đến với Mơ H’Ra, du khách có thể hiểu hơn về cuộc sống bản địa của đồng bào Tây Nguyên, cùng hòa nhịp chiêng nghiêng ngả đất trời, để cùng vin cần thưởng thức hương vị nồng nàn, ngây ngất giữa cao nguyên đại ngàn. Phạm Dương/ Vietnam Journey

Có thể bạn quan tâm:

  • “Cà phê Biệt động” - Những trang sử sống động
  • Cà Mau khó phát triển du lịch do vướng đất rừng
  • 5 không gian cà phê ở Đà Lạt phải check-in dịp lễ 30/4
  • Khám phá resort dân dã trên hòn đảo nhỏ ở Hội An
  • Khám phá vẻ đẹp hang động Chua Ta ở Điện Biên
  • Nhà hàng Cổ Ngư
  • Mùa xuân đến bản Bon trải nghiệm du lịch cộng đồng
  • Bạc Liêu: 3 trường hợp từ Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào địa phương
  • Sầm Sơn
  • Khám phá vẻ đẹp đầm Vân Long - khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước