Đền Phượng Hoàng
Đền Phượng Hoàng , Xã Minh Tiến, Huyện Phù Cừ, Hưng Yên
Truyện kể lại: Bà Cúc Hoa vốn là một người con gái tài sắc, con một trưởng giả giàu có. Khi gặp Tống Trân cùng mẹ già, vì gia đình gặp nạn phải đi xin ăn, Cúc Hoa thấy Tống Trân là người thông minh, có tài đối đáp đã đem lòng yêu mến. Vượt qua những định kiến khắt khe của xã hội phong kiến đương thời.
Bà đã từ bỏ vinh hoa phú quý, nhận lấy cuộc đời gian truân, dân dã. Là người phụ nữ hiền thục đoan trinh, bà đảm đang việc nhà nuôi chồng ăn học, dùi mài kinh sử. Khi triều đình mở khoa thi để chọn nhân tài, Tống Trân lên đường ứng thi, đã đỗ trạng nguyên, được nhà vua khen là ” Quốc sỹ vô song, tướng tài quả nhị”. Sau khi đỗ Trạng nguyên, Tống Trân đi sứ mười năm, Cúc Hoa ở nhà một lòng hiếu nghĩa, đoan chính chờ chồng.
Nàng bị ép gả lấy người khác, nhưng vẫn một lòng chung thủy. Khi Tống Trân trở về, biết chuyện liền đóng giả làm người hành khất để dò la, biết Cúc Hoa vẫn một lòng chờ chồng chung thủy ông đón bà về đoàn tụ. Vua biết chuyện cho Cúc Hoa là người tam tòng, tứ đức, thực là “nữ trung Nghiêu Thuấn” và phong cho Cúc Hoa là ” quận phu nhân”. Sau khi bà mất dân làng dựng đền thờ để tưởng nhớ người phụ nữ tài sắc đoan trinh. Theo truyền ngôn thì mảnh đất dựng đền ngày nay chính là khu gò mộ của bà Cúc Hoa. Nhưng do thời gian ngôi đền cổ đã bị phá hủy, ngày nay mới được xây dựng lại, phần kiến trúc được làm lại theo phong cách thời Nguyễn với đề tài trang trí như tứ linh, tứ quý… Gian giữa tòa trung từ là nơi đặt khám tượng thờ bà Cúc Hoa. Tượng được tạo tác với khuôn mặt phúc hậu và thuần Việt. Hai bên kế là nơi thờ Thành Hoàng và Đức Ông. Tòa hậu cung được làm kiểu chồng diêm tám mái, đây là nơi thờ phật, tạo cho đền có lối thờ ” tiền thần hậu phật”. Ngôi đền cũng như đức hạnh của bà mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Hưng Yên.
Trước đây vào những ngày lễ hội, từ ngày 10 đến 15 tháng 4 âm lịch ngoài các nghi thức tế lễ bao giờ cũng tổ chức rước kiệu bà Cúc Hoa sang đền Tống Trân và rước mũ, hia của Tống Trân sang đền Cúc Hoa. Đền được nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1991.
Có thể nói, bà là một người phụ nữ mang đầy đủ những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Vượt lên những định kiến khắt khe của xã hội phong kiến đương thời, mối tình Tống Trân- Cúc Hoa mang một giá trị nhân văn sâu sắc.
Bài viết liên quan
- Đền thờ Chử Đồng Tử
- Chùa Nôm
- Làng Nôm
- Chùa Phố – Ngôi chùa độc đáo
- Ngôi làng có những nhà cổ ‘bằng 3 nhà mặt phố’
- Về Hưng Yên ngắm đảo cò giữa lòng thành phố
- Thăm chùa Chuông - "đệ nhất danh thắng" của Hưng Yên
- Hưng Yên: Điểm đến cho những ai yêu thích du lịch văn hóa, tâm linh
- Làng cổ Thanh Cù
- Khám phá đảo Cò tuyệt đẹp ít người biết giữa lòng Hưng Yên