Cụm di tích Làng Sen

Cụm di tích Làng Sen , Xã Kim Liên, Huyện Nam Đàn, Nghệ An


Làng Sen với hệ thống nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng như nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm, nhà thờ họ Nguyễn Sinh, nhà Cử nhân Vương Thúc Quý, lò rèn cố Điền, giếng Cốc, cây đa, sân vận động, đền làng Sen. Ngoài ra còn có khu tưởng niệm, nhà trưng bày, vườn cây lưu niệm và nhiều hạng mục công trình phục vụ công cộng khác. Tất cả đã tạo thành cụm Di tích Làng Sen.

1. Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc:

Khoa thi Hội Tân Sửu năm (1901), Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng dưới triều Nhà Nguyễn, lần đầu tiên làng Sen có người đậu đại khoa, làng đã xuất quỹ công mua một ngôi nhà gỗ 5 gian về dựng trên mảnh đất công của làng rộng 4 sào 14 thước  để mừng ông Phó bảng. Khi nhà cửa vườn tược  chu tất, nhân dân làng Sen đã xuống làng Hoàng Trù mời ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng các con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về sống tại làng Sen.

Về làng Sen ông Nguyễn Sinh Sắc sống cuộc sống thanh bạch, ấm cúng. Ông viết lên xà nhà mấy chữ Hán: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng”, nghĩa là “Không lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà ta”. Ông gửi hai con trai học với thầy Cử nhân Vương Thúc Quý.

Khách đến nhà ông Phó bảng chơi thường là các bậc sỹ phu yêu nước đương thời, vì vậy mà các con ông đã sớm được tiếp thu, nhận thức các vấn đề của xã hội, về lòng yêu nước, thương dân.

Năm 1906, ông vào Huế làm quan đem theo hai cậu con trai đi cùng, nhà cửa, vườn tược ông giao lại cho con gái Nguyễn Thị Thanh trông nom.

Sau này vì tham gia hoạt động yêu nước, Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Sinh Khiêm bị bắt, năm 1914 ngôi nhà và khu vườn được giao cho ông Nguyễn Sinh Mợi và ông Nguyễn Sinh Xơng trong họ trông nom.

Năm 1915, Nguyễn Thị Thanh ra tù đã bán ngôi nhà cho một người ở xã Nam Hùng, sau đó người này lại bán cho một người khác ở xã Nam Giang.

Năm 1956, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương khôi phục di tích quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi nhà đã được chuộc về dựng trên khu vườn cũ để đón khách về thăm.

Sau hơn 50 năm xa cách quê hương, ngày 16-6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp về thăm, Người về thăm lại ngôi nhà xưa và nói với mọi người rằng: “Đây là ngôi nhà của ông Phó bảng”, khi đi ra sân có người đề xuất với Bác Hồ xin phép được trồng hoa trong vườn cho đẹp Bác nói: “Hoa khoai cũng đẹp” ý Bác muốn nói rằng trồng khoai lang vừa có củ để ăn nhưng cũng có hoa để ngắm.

2. Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Di tích là nơi ghi dấu tiếng khóc chào đời và sống đến năm 14 tuổi của ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là nơi chứng kiến mọi hoạt động yêu nước và nơi cất giấu vũ khí trong khi hoạt động bí mật của cô Nguyễn Thị Thanh và cậu Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai và chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di tích là nơi ra đời của liệt sỹ quốc tế Lý Nam Thanh ( Nguyễn Sinh Thản), đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô.

3. Nhà thờ họ Nguyễn Sinh:

Di tích được xây dựng vào năm 1843, trên nền đất rộng 500m2 thuộc xóm Phú Đầm nay là làng Sen 3 xã Kim Liên, Nam Đàn để thờ phụng tổ tiên dòng họ Nguyễn Sinh.

Thời niên thiếu anh chị em của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường theo cha đến thắp hương cho tổ tiên tại nhà thờ vào những ngày giỗ, tết hàng năm.

Những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi qua đời đều được quy về nhà thờ họ để thờ cúng.

Như vậy, ngôi nhà thờ họ Nguyễn Sinh cũng là nơi thờ phụng cha mẹ, anh chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 16-6-1957 trong dịp về thăm quê lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần theo lối mòn ngày xưa vào nhà thờ thắp hương tưởng nhớ tổ tiên. Sau đó Người nói chuyện với bà con trong họ rằng: “Công việc bận, Bác không về thăm được các gia đình trong họ, Bác đến nhà thờ tức là đã đến với bà con trong họ, mong bà con thông cảm”.

4. Nhà cụ cử nhân Vương Thúc Quý, thầy dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1901-1902):

Thầy Vương Thúc Quý là thầy dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu ở làng Sen.

Tư chất thông minh, tấm lòng hiếu nghĩa, tư tưởng yêu nước của thầy đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cậu học trò Nguyễn Sinh Cung.

Tại đây Nguyễn Sinh Cung đã được nghe và hiểu được nhiều điều về lịch sử, về thời cuộc, để rồi nung nấu thêm ý chí quyết tâm cứu nước sau này.

Ngày 16-6-1957 khi về thăm quê hương lần thứ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới thầy Vương Thúc Quý, Người nói: “Thầy Vương Thúc Quý là thầy dạy học của Bác thời niên thiếu”.

5. Lò rèn cố Điền:

Lò rèn cố Điền là nơi rèn nông cụ cho bà con nông dân ở làng Sen. Thuở nhỏ khi sống tại làng Sen Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra đây chơi và giúp cố Điền thổi bễ đập đe.

Những kỷ niệm sâu sắc của thời niên thiếu tại lò rèn cố Điền đã để lại dấu ấn đậm nét trong ký ức của Người.

Sau 50 năm xa cách khi trở về thăm quê vào ngày 16-6-1957, lúc đi từ nhà mình ra ngõ, Người chỉ tay về phía trước và hỏi bà con đi bên cạnh rằng: “Trong này có lò rèn cố Điền, bấy lâu nay còn rèn nữa không?”. Vừa lúc đó con trai cố Điền bạn hồi nhỏ của Người từ trong cổng đi ra, hai người bạn già gặp nhau hết sức vui mừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm động nói: “Trông ông Điền còn khỏe, lâu nay còn tiếp tục rèn nữa không?”. Ông Điền thưa: “Lâu nay tôi để cho đứa con trai đầu làm” Người động viên ông Điền: “Ừ, tiếp tục rèn để bà con có nông cụ mà sản xuất”.

6. Giếng Cốc:

Giếng này do ông Nguyễn Danh Cốc người làng Phú Đầm đào năm 1708 để lấy nước cho gia đình dùng. Sau này nhân dân trong làng đều ra đây lấy nước về dùng. Để biết ơn người đào giếng người ta đặt tên là giếng Cốc.

Thời gian sống ở làng Sen, Nguyễn Sinh Cung thường ra đây gánh nước về cho gia đình sử dụng, giếng Cốc cũng là nơi để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm về thời niên thiếu của Người.

Ngày 16-6-1957, trở về thăm quê, khi đi từ nhà mình ra Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi bà con:  “Giếng Cốc nay còn nữa không? Nước giếng Cốc trong và ngọt, nấu nước chè xanh và làm tương ngon nổi tiếng”.

7. Di tích cây Đa, sân vận động, đền làng Sen:

Cây Đa, sân vận động, đền Làng Sen đã đi vào lịch sử là nơi đã chứng kiến hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê, lần thứ nhất vào ngày 16-6-1957, lần thứ hai vào ngày 9-12-1961. Tại đây, Người đã nói chuyện thân mật với cán bộ, đảng viên, bà con nông dân xã Kim Liên. Người  ân cần thăm hỏi sức khỏe mọi người, căn dặn mọi người phải thi đua sản xuất thật tốt, đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau để cùng xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

8. Núi Chung: là nơi lúc còn thơ ấu Người và các bạn thường lên chăn trâu, thả diều, đánh trận giả, ngắm nhìn phong cảnh non nước, quê hương. Núi Chung ở vị trí trung tâm xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cả bảy làng của xã Kim Liên: làng Sen (Kim Liên), làng Chùa (Hoàng Trù), làng Sày (Mậu Tài), làng Gáo (Nguyệt Quả), làng Trại (Tính Lý), làng Đình (Ngọc Đình), làng Kẻ Móng (Vân Hội) đều ở quanh núi Chung.

Núi Chung có 9 đỉnh, nhưng sau này bị tác động bởi thiên nhiên cũng như con người nên núi chỉ còn tồn tại 5 đỉnh, trong đó có 3 đỉnh chính. Nhân dân ở đây quen gọi đỉnh núi là động. Đỉnh thứ nhất ở về phía đông, gần làng Vân Hội (Kẻ Móng) gọi là động Móng.

Đỉnh thứ 2 cao nhất gần 50m ở phía sau làng Tính Lý gọi là động Bò. Nơi đây có tọa (miếu nhỏ) thờ ông thần Bò. Nhân dân làng Tính Lý kỵ húy chữ “Bò” nên gọi con bò là con me.

Về phía Tây Bắc, dưới chân động Bò có lăng Tả tướng quân Lê Giác (còn có tên là Lê Dốc), một vị tướng cuối thời Lê, có bãi luyện quân của Tú tài Vương Thúc Mậu và là nơi thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lên chơi trò kéo eo và tập đánh trận giả.

Tiếp đến đỉnh thứ 3 có tên là động Đền. Đây là nơi tập trung đền, chùa lớn và nhà thánh của tổng Lâm Thịnh. Tại khu văn hóa tâm linh này có nhà cửa, đền đài tráng lệ, nguy nga.

9. Đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tọa lạc trên núi Chung, đền Chung Sơn sau 8 năm xây dựng, mới đây đã được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là nơi linh thiêng, là đền thờ gia tiên, công trình là sự tôn vinh và đời đời ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Bác Hồ.

Nằm trong quần thể khu di tích Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An), năm 1991 núi Chung được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Núi Chung nằm tọa lạc tại vị trí trung tâm xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Cả bảy làng của xã Kim Liên: làng Sen (Kim Liên), làng Chùa (Hoàng Trù), làng Sày (Mậu Tài), làng Gáo (Nguyệt Quả), làng Trại (Tính Lý), làng Đình (Ngọc Đình), làng Kẻ Móng (Vân Hội) đều ở quanh núi Chung.