Chùa Phú Thị

Chùa Phú Thị , Xã Mễ Sở, Huyện Văn Giang, Hưng Yên


Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê và theo hệ phái Bắc Tông. Chùa đã được trùng tu nhiều lần và gần lần đây nhất là vào năm 1991. Bước chân vào thăm chùa, đầu tiên du khách sẽ đi qua tam quan – cổng phía ngoài chùa. Nhìn bên ngoài tam quan như 3 kiến trúc riêng biệt với ba cửa. Cửa giữa cao to, được xây hai tầng, mặt bằng hình vuông. Tầng trên và tầng dưới bằng nhau. Trên nóc tầng hai lợp ngói mũi hài với bốn đầu đao tỏa ra bốn hướng. Hai bên tả hữu là hai cửa nhỏ đối xứng. Ngay sau hai cửa nhỏ này là các bậc dẫn lên tầng hai của cửa giữa.

Đi qua tam quan là tiền đường (Thượng điện). Nhìn bên ngoài, tiền đường được xây dựng theo kiểu chồng diêm với hai gác chuông và trống ở nóc mái nhà. Chuông chùa (Đại hồng chung) được đúc vào thời vua Minh Mạng. Vào bên trong, du khách sẽ thấy tiền đường gồm năm gian với không gian rộng và thoáng. Bốn hàng cột lim đều đặn được phân bổ ở giữa tiền đường. Trên xà ngang trung tâm tiền đường được bài trí một của võng chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt và được sơn son thếp vàng.

Giáp tường phía trong đặt 6 pho tượng là tượng Khuyến Thiện, tượng Trừng Ác, tượng hai thánh Tăng, tượng hai Thị Giả. Những bức tượng này làm tăng thêm vẻ uy linh của tiền đường. Bên cạnh đó chùa có nhiều pho tượng cổ bằng gỗ hoặc đất nung phủ sơn, như tượng Chuẩn Đề, tượng Địa Tạng (cao 1,08m); bộ tượng Thập Điện Minh Vương (cao 0,90m), tượng Cấp Cô Độc (cao 1,07m).

Tiếp nối tiền đường là 4 gian hậu cung. Hậu cung là gian điện thờ Mẫu và được bài trí trang nghiêm. Phía trên có tấm biển ghi 4 chữ “Phúc Đức Tại Mẫu”. Đây là một kiến trúc khá đặc biệt bởi kèo gỗ được gia công theo hình càng cua, trên trần gỗ hình cuốn vòm khiến cho hậu cung như sâu thêm và làm cho cảnh chùa càng thêm trầm tĩnh, uy nghiêm. Hòa nhịp với với mái trần uốn cong, phía dưới được sắp đặt bệ thờ rất cân xứng, để các đồ thờ tự và tượng Phật. Ngoài ra, trong chùa nhân dân còn dành riêng một gian tôn nghiêm để thờ Chu Mạnh Trinh (1862 – 1905) – vị tiến sỹ đã có công thiết kế và xây dựng ngôi chùa này khi ông là quan Án sát của tỉnh Hưng Yên.

Với những giá trị đặc sắc trong kiến trúc cổ, chùa Phú Thị đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa ngày 4 tháng 4 năm 1984 theo quyết định số 14 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Hy vọng, trong tương lai gần chùa Phú Thị sẽ là điểm đến tâm linh hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách về thăm quan, chiêm bái.