Bản Bước

Bản Bước Xóm Bước, Xã Săm Khóe, Huyện Mai Châu, Hoà Bình


Xóm Bước có từ thế kỷ XIII với tên gọi ban đầu là bản Chừa Lót, sau đổi tên là xóm Bước, trước năm 1957, xóm Bước thuộc xã Bao La. Năm 1957 được sát nhập vào xã Xăm Khòe. Xóm có 100% là người dân tộc tộc Thái với 70 hộ và trên 300 nhân khẩu, hiện đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Trước đây bản của người dân xóm Bước định cư ven bờ suối, năm 2007, xóm Bước được quy hoạch để xây dựng thành khu du lịch sinh thái, cả xóm đã chuyển lên địa điểm được quy hoạch với diện tích 5ha, có sân vận động rộng 2ha, bãi để xe riêng phục vụ du lịch. Đây là mô hình “du lịch cộng đồng”, gắn liền khai thác với tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái. Trước đây, khi chưa được quy hoạch thành điểm du lịch, cả bản có một gia đình đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch theo hình thức tự phát. Đến nay, toàn bản có 15 hộ đăng ký kinh doanh du lịch. Năm 2014, xóm Bước đã đón khoảng 500 lượt khách đến thăm quan du lịch và tìm hiểu đời sống văn hóa của bà con.

Đồng bào người Thái ở xóm Bước được thừa hưởng một di sản văn hóa vật thể và văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Đó là tập quán canh tác lúa nước, làm nương, những nếp nhà sàn truyền thống làm bằng sàn gỗ, lợp mái gianh, những công cụ lao động sản xuất rất đặc trưng như cọn nước, gùi, thố… Dự án “Bản người Thái gắn với du lịch” đang dần đánh thức tiềm năng vốn có ở nơi đây.  Để nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và phục vụ du khách. Trong bản đã thành lập được một đội văn nghệ gồm 12 người có thể múa xòe, hát dân ca Thái và biểu diễn các tiết mục khác. Đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, và được những người lớn tuổi trong bản chỉ bảo, góp ý. Khi trong bản có khách du lịch, các đội văn nghệ sẽ đến biểu diễn phục vụ.

Điểm thú vị và khác biệt khi du lịch ở Bản Bước là du khách có thể đến và nghỉ lại dài ngày tại bản có thể là 2 – 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, du khách sẽ được thăm quan tập quán canh tác lúa nước, làm nương, nếu muốn, du khách có thể trực tiếp tham gia lao động sản xuất với bà con dân tộc nơi đây. Nhiều hoạt động hấp dẫn như theo chân những cô gái mười bẩy đôi mươi lên đồi kiếm bông lau dệt chăn, nệm, leo núi ngắm cảnh… Thấy được sự khéo léo tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ của cô gái Thái “nhíp phà” (khâu chăn). Đêm về, người dân bản Bước đón du khách bằng những vòng xòe cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái.