Đặc sắc lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer
Lễ Ok om bok còn gọi là Lễ Cúng Trăng hay lễ "Đút cốm dẹp" là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Người Khmer xem Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy, họ lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Mặt Trăng. Vào đêm 15/10 khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Trước tiên người ta cắm hai cây trúc và dùng lá dừa làm hình cái cổng vòm, trên cổng có giăng dây trầu gồm 12 lá tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng này đặt bàn bày các thức cúng như: dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, bánh in và cốm dẹp là thức cúng không thể thiếu. Cốm dẹp là món không thể thiếu trong mâm cúng lễ Ok om bok. Ảnh: Báo Lao động Tối đến, mọi người ngồi chắp tay, hướng về Mặt Trăng để làm lễ. Khi Trăng lên cao, mọi người bắt đầu đốt nhang, đèn rồi mời một người cao tuổi, có uy tín nhất trong phum, sóc (làng, xóm) hay trong nhà để làm lễ. Người chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của con người đối với Mặt Trăng, xin Mặt Trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt… Sau lễ cúng, các em nhỏ trong nhà được gọi lên để làm lễ “Ok om bok” (Đút cốm dẹp). Người chủ lễ gọi các em nhỏ lại đứng chắp tay về hướng Mặt Trăng rồi lấy cốm dẹp và một ít thức cúng khác đút vào miệng các em, còn tay kia vỗ nhẹ vào lưng và hỏi các em ước muốn gì. Người Khmer tin rằng, những câu trả lời của các em sẽ là niềm tin và động lực của người lớn vào năm tới. Sau đó, mọi người vui vẻ quây quần ăn bánh trái, cốm dẹp, đợi đến sớm mai để xem đua ghe Ngo. Lễ đút cốm dẹp. Ảnh: Báo Lao động Hội đua ghe Ngo Trong lễ hội Ok om bok, một trong những hoạt động sôi nổi được mọi người mong đợi nhất là Hội đua ghe Ngo. Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 đến 24 mét, ngang rộng 1,2 mét có từ 50 - 60 tay bơi. Trước đây, ghe Ngo là một loại thuyền độc mộc lớn, khoét từ thân gỗ tốt. Ngày nay, không còn thân gỗ lớn để làm nên ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Chiếc ghe Ngo có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Dưới lườn ghe, người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu để giữ thăng bằng, có tác dụng như đòn bẩy, đẩy ghe di chuyển nhanh trên mặt nước. Chiếc ghe Ngo được xem là tài sản quý giá và thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Hội đua ghe ngo thường được tổ chức ở Sóc Trăng, nhưng những năm gần đây còn diễn ra ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Thả đèn nước. Ảnh: dulichvietnam Trong dịp Lễ hội Ok om bok - đua ghe Ngo, còn có nhiều hoạt động văn hóa thể thao truyền thống hấp dẫn khác của dân tộc Khmer như: cờ ốc, bi sắt, múa Răm Vong, Rong Leo... Du khách còn được chiêm ngưỡng hình ảnh huyền ảo, lung linh của đèn nước, được hòa chung không khí của lễ hội mà người bản địa vui chơi suốt đêm. Theo Dulichsoctrang.org