Cẩm nang khám phá trọn vẹn Đền Hùng
Khu di tích đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây vốn là đất đế đô của Nhà nước Văn Lang. Trong tâm thức dân tộc, vùng đất này được coi là vùng đất Tổ, là cái nôi và cội nguồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đền Hạ Ðền được xây vào thế kỷ 15. Tương truyền, đây là nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Từ chân núi Hùng rẽ qua Ðại môn (cổng đền) leo qua 225 bậc thang xây bằng gạch lên đến đền Hạ và chùa Thiên Quang. Đây cũng chính là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đã trò chuyện với chiến sĩ của đại đoàn quân tiên phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tam quan đền Hạ Ðền Trung (Hùng Vương tổ miếu) Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc đá nữa là tới đền Trung. Tương truyền, nơi đây hoàng tử Lang Liêu đã dâng bánh chưng, bánh giầy lên cho Vua cha nhân dịp tết. Đền được xây dựng vào thời Lý - Trần. Đến thế kỷ XV bị giặc Minh tàn phá, sau này được xây dựng lại, kiến trúc hiện nay kiểu chữ nhất (-) 3 gian, kiến trúc đơn sơ không có cột, kèo cầu quá giang cột trốn gối vào tường, mái lợp ngói mũi. Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng Lạc Hầu, Lạc Tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu) Đền Thượng Có tên chữ là Kính thiên lĩnh điện (Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Tương truyền các vua Hùng thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh để tiến hành nghi lễ tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thờ trời đất, thờ Thần lúa cầu mong cho mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Cổng vào Đền Thượng Lăng Hùng Vương Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ của vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía Đông của đền Thượng, có vị trí đầu đội sơn, chân đạp thủy, mặt quay theo hướng Đông Nam. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái; tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng trong tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược, đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Lăng Hùng Vương Đền Giếng Đền Giếng còn có tên là Ngọc Tỉnh. Tương truyền là nơi hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái Vua Hùng thứ 18 thường soi gương chải tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai nàng là người có công dậy dân trồng lúa, trị thuỷ nên dân lập đền thờ. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18, đền được xây dựng lên trên giếng nên hiện nay giếng ở bên trong hậu cung của đền bốn mùa nước trong mát, không bao giờ cạn. Đền Giếng Đền Tổ mẫu Âu Cơ Đền Tổ Mẫu Âu Cơ là một quần thể kiến trúc bao gồm: Đền chính thờ Mẫu Âu Cơ, nhà tả vu, nhà hữa vu, nhà bia, trụ biểu, tam quan… được thiết kế theo phong cách xây dựng truyền thống, xen lẫn tính hiện đại. Các họa tiết trên trống đồng Đông Sơn: Cột gỗ có thớt đá kê, tường xây gạch mộc đỏ, mái đền có đầu đao cong vút như cánh chim Lạc, trụ biểu đá giống như cây bút đang viết lên trời xanh… cho nhân dân ta vừa cảm giác gần gũi với mẹ vừa thiêng liêng cao quý. Trong Hậu cung đền đặt tượng Tổ Mẫu Âu Cơ được làm bằng đồng. Phía dưới đặt tượng Lạc hầu, Lạc tướng. Đường đi lên đền được xây bằng 553 bậc đá. Đền Tổ Mẫu Âu Cơ Đền thờ Lạc Long Quân Đền thờ Lạc Long Quân khởi công xây dựng năm 2007, tại đồi Sim, với tổng diện tích đất sử dụng là 13,79ha, khánh thành năm 2009, gồm các hạng mục: nghi môn, trụ biểu, nhà bia, đền chính (gồm tiền tế, đại bái, hậu cung), tả, hữu vu. Trong đền đặt tượng Lạc Long Quân, đúc bằng đồng, bệ tượng, lư hương được tạc bằng đá khối, họa tiết trang trí tinh xảo. Đền Lạc Long Quân Đền Hùng là nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội đền Hùng là thể hiện hết sức cụ thể, sinh động và thiêng liêng truyền thống gắn kết cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Với những ý nghĩa to lớn đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ rước kiệu trong ngày giỗ Tổ Hàng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) những người con đất Việt lại hành hương về Phú Thọ để tham dự lễ hội đền Hùng, bày tỏ lòng thành với tổ tiên, nguồn cội. Ảnh: dulich24.com.vn