Điểm danh những đặc sản nổi tiếng gần xa của vùng Đất Mũi Cà Mau
Mật ong U Minh hạ là một trong những sản vật nổi tiếng nhất của người dân Cà Mau. Mật ong nơi đây ngon vì được khai thác trong chính những tán rừng tràm U Minh hạ bạt ngàn. Mật ong U Minh hạ còn gắn liền với nghề gác kèo ong truyền thống bao đời nay của người nơi đây. Đây nghề đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nếu mật ong là sản vật đặc trưng dưới tán rừng tràm thì sản phẩm tôm khô Rạch Gốc của người dân Đất Mũi lại mang nét đặc trưng của tán rừng ngập mặn. Chính những con tôm đất dưới tán rừng đước, mắm đã làm lên thương hiệu tôm khô của tỉnh Cà Mau. Các sản phẩm tôm khô của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu, có giá trị rất cao và đã có mặt trong các siêu thị lớn trên cả nước. Cua Năm Căn cũng là sản vật dưới tán rừng ngập mặn. Với diện tích hơn 34.000 ha đất nuôi tôm - cua dưới tán rừng, ven theo 3 mặt bờ biển, sản lượng cua của tỉnh Cà Mau cao nhất cả nước. Cua Cà Mau không chỉ được yêu thích trong nước mà còn được xuất khẩu qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc; Malaysia; Trung Quốc; Đài Loan... Cá khô bổi U Minh là nhãn hiệu tập thể của người dân huyện Trần Văn Thời. Cá bổi (sặc rằn) hiện đã được người dân nơi đây nuôi thâm canh. Do đặc trưng về điều kiện tự nhiên, cá bổi ở đây nuôi chậm lớn hơn các vùng khác nhưng chất lượng hơn. Khi dùng làm khô thịt cá chắc và thơm ngon hơn, tạo lên thương hiệu cá khô bổi U Minh. Cá khô khoai Cái Đôi Vàm là sản phẩm mang thương thiệu của vùng đất chuyên về nghề đánh bắt trên biển của người dân Cà Mau. Tại thị trấn ven biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân có một làng nghề làm cá khô khoai. Họ có những bí quyết riêng để tạo hương vị đặc biệt cho sản phẩm cá của địa phương mình. Cùng với 5 loại đặc sản nêu trên, dưa bồn bồn Cái Nước cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể cho người dân Cà Mau. Mỗi sản phẩm tập thể được công nhận cho 1 huyện và đều do Hội Nông dân huyện quản lý nhãn hiệu. Ngoài ra, còn phải kể đến một “đặc sản mới nổi” của người dân Cà Mau là loài cá vừa có thể bơi dưới nước, chạy trên bờ và leo được cả trên cây - cá thòi lòi (người dân địa phương còn gọi cá leo cây). Trước đây, cá leo cây không có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển mạnh vài năm qua, loài cá này dần trở thành món ngon mà ai đến Cà Mau cũng muốn thưởng thức. Cuối cùng là món ba khía muối Rạch Gốc. Cùng với nghề gác kèo ong, nghề muối ba khía của tỉnh Cà Mau đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./. Trần Hiếu/VOV ĐBSCL