Bánh Ngải của người Tày
Để làm bánh ngải, người Tày chọn nếp nương và không được lẫn gạo tẻ. Đường để làm nhân bánh cũng phải lựa chọn rất cẩn thận, phải chọn đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn. Lá ngải rửa sạch, đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Để có nước tro tốt, người ta chọn tro sạch, tốt nhất là tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh. Tro sạch được lèn vào rá tre, để rá trên chậu tạo khoảng cách cho nước từ rá chảy xuống. Người ta đổ nước từ từ vào tro cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu. Nước tro lúc đầu đặc có màu cà phê, sau loãng dần. Lá ngải đun trong nước tro rất chóng nhừ. Sau khi đun nhừ, đổ lá ngải ra rá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ sơ (gân lá, cuống lá già), vắt kiệt nước rồi nắm thành từng nắm bằng nắm tay. Gạo làm bánh được ngâm từ tối hôm trước rồi đem đồ chín thành xôi vừa độ dẻo. Trong quá trình đồ, khi lên hơi, người ta thường tưới thêm lần nước để khi giã bánh sẽ dẻo hơn. Trong khi chờ xôi chín sẽ chuẩn bị nhân bánh, người ta đun đường phên lên thành mật sau đó trộn mật với vừng đen rang chín giã nhỏ. Nhân bánh chính là bí quyết tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh. Xôi đồ chín giã ngay lúc còn nóng cùng với lá ngải để bánh mềm, mịn và dẻo. Sau khi xôi giã nhuyễn, các bà, các mẹ sẽ nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh. Bánh được nặn thành hình tròn sau đó ấn dẹt ra, cho thìa nhân vào giữa, rồi gói vỏ bánh lại bọc kín lớp nhân bên trong thành hình như chiếc bánh dày là được. Bánh ngải dễ ăn, mát và không ngấy. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát. Tết Thanh minh, nếu có dịp lên Phú Lương vào vùng dân tộc Tày sinh sống thể nào du khách cũng được thưởng thức món bánh ngải đặc sản và dân giã này. Theo thainguyen.gov.vn