Bánh cuốn Quảng Trị sao thiếu được vị cay nồng nước chấm
Sự kết hợp hài hòa giữa thịt, rau, bánh cùng nước chấm Bánh cuốn hẻm là tên gọi của một tiệm bánh cuốn nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo (thị xã Quảng Trị) được mở từ năm 1994. Chẳng do người chủ đặt ra, bánh cuốn hẻm là cái tên do tự người dân nơi đây cùng du khách truyền miệng mà nên. Rất khó để tìm được một món ngon đặc sản cho riêng mình khi nghĩ về quê hương Quảng Trị. Món ngon có thể khó nhưng cái vị đặc biệt mang đậm thói quen "càng cay càng ngon" của người dân Quảng Trị thì quá nổi bật từ Bắc đến Nam. Chén nước chấm của món bánh cuốn hẻm Quảng Trị vẫn là thứ mà tôi nghĩ về trước tiên trong mỗi lần nhớ về quê nhà. Cay nồng và thấm tháp, đó là những hương vị khá rõ có trong mỗi chén nước chấm của món bánh cuốn hẻm nơi đây. Mắm nêm "nguyên chất" được sản xuất riêng biệt cho tiệm bánh này là nguyên liệu chủ đạo cho mỗi chén nước chấm. Tuy nhiên, chỉ vì được sản xuất riêng biệt mà làm nên cái vị đặc biệt ấy thì vẫn chưa đủ. Ngoài mắm nêm, phụ gia cho chén nước chấm còn có ớt, tỏi và thơm... O Cam, chủ cửa hàng, cho biết sự kết hợp từ vị riêng biệt của mắm nêm cùng những phụ gia đi kèm là thứ tiên quyết khiến "ai ăn cũng đều phải nhớ". Chén nước chấm của món bánh cuốn hẻm Quảng Trị: cay nồng và thấm tháp Ớt, tỏi, thơm sẽ được trộn chung cùng mắm nêm, phụ gia khác với một công thức "gia truyền" rồi xay nhuyễn vào nhau. Để rồi cay nồng nhưng thơm, thanh, lạ, mà ai cũng đều cảm nhận rõ mỗi khi ăn món này. Tôi vẫn thường đùa cùng đám bạn rằng vì chẳng có món nào ngon, nên ăn cay là cách mà người Quảng Trị dùng để khiến mọi người sẽ nhớ về món ăn nơi đây hơn. Nhúng cuốn bánh thật sâu xuống chén nước chấm để gia vị thấm và quệt vào bánh là cách mà tôi thường làm để thưởng thức trọn vẹn những hương vị đậm đà ấy. Một hương vị rất đậm tình quê hương. Tôi vẫn còn nhớ như in cái thời nghèo khó, chỉ mỗi khi cúng kỵ thì mới có dịp để cả nhà được ăn no một bữa bánh ướt thịt heo. Bánh ướt hay bánh ướt thịt heo của Quảng Trị đơn thuần chỉ gồm bánh ướt, thịt heo chấm cùng nước mắm có vị hơi ngọt. Có thể bánh cuốn là món được cách điệu cho "sang và đủ" hơn từ món bánh ướt đơn thuần. Tương trợ làm nên cái đặc biệt thu hút người dân cũng như du khách đến ăn tại quán bánh cuốn này còn là những thớ thịt mông hai đầu da, rau sống đi kèm. Khi khách gọi thì thịt mới được luộc nhằm để phần da không bị đứt lìa với phần nạc Thịt hai đầu da là phần thịt được lấy ở phần mông của mỗi con heo. Và vì yêu cầu thịt phải có hai đầu da nên mỗi một con heo chỉ cho ra chừng khoảng 3kg thịt đáp ứng đủ tiêu chuẩn trên của quán. Chỉ khi khách vào gọi thì thịt mới được bắc luộc nhằm để phần da không bị đứt lìa với phần nạc trong mỗi lát thịt cũng là một "mẹo" được O Cam buột miệng nói ra. Lượng rau đi kèm trong mỗi suất sẽ là thứ thu hút những ai có sở thích ăn nhiều rau xanh. Ngoài số lượng thì chất lượng rau cũng là thứ đáng được bàn trên mỗi phần bánh. Nhìn lướt qua thì có khoảng trên dưới chục loại rau như cải, xà lách, tía tô, thơm, ngò, hành, diếp cá, rau má cũng như dưa chuột, bắp chuối, đu đủ... xanh ngắt được sắp xếp theo một trình tự bắt mắt. Chúng đều được người dân trồng sạch tự nhiên dọc hai bên bờ dòng sông Bến Hải, nơi có chiếc cầu Hiền Lương chứng nhân lịch sử bắc ngang qua. Chỉ chừng ấy vị thôi cũng đủ để một người con xa quê như tôi phải "rệu" cả xương hàm mỗi khi nghĩ về món ăn quê hương. An Nhiên/tuoitre.vn