Bắc Kạn: Từng bước đưa du lịch Ba Bể thành mũi nhọn kinh tế địa phương

Bắc Kạn: Từng bước đưa du lịch Ba Bể thành mũi nhọn kinh tế địa phương

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm của các nhà đầu tư, Bắc Kạn đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu đưa du lịch Ba Bể trở thành mũi nhọn kinh tế địa phương Hồ Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và đã được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Vậy nhưng hàng năm, lượng khách du lịch đến với Ba Bể vẫn khá thấp, trung bình chỉ chưa đến 90.000 lượt mà một trong những nguyên nhân là giao thông không thuận lợi khi cần tới 2 giờ đồng hồ cho quãng đường chưa đến 70km. [Xem thêm: Ba Bể, điểm đến hấp dẫn giữa đại ngàn] Xác định rõ khó khăn về giao thông là điểm nghẽn của du lịch Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư 3 tuyến đường kết nối du lịch Ba Bể với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 3 nghìn tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trước năm 2025, trong đó điểm nhấn là mở mới tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đến Hồ Ba Bể với số vốn hơn 2.800 tỉ đồng nhằm rút ngắn thời gian hành trình của du khách từ Bắc Kạn lên Ba bể xuống còn dưới 1 giờ. Ông Dương Ngọc Thuyết, Giám đốc Sở GTVT Bắc Kạn cho biết, đây sẽ là những dự án giao thông quan trọng góp phần tập trung hướng phát triển du lịch Ba Bể và hướng tới kết nối du lịch liên vùng. Con đường du lịch quanh Hồ Ba Bể xuống cấp nghiêm trọng Ngành đã tham mưu, đề xuất hướng tuyến kết nối hồ Ba Bể tới khu du lịch thủy điện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Khi hoàn thành tuyến này còn 19km, thay vì tận 80km như trước đây. Đồng thời, ngành cũng sẽ tham mưu chi tiết một số tuyến theo dọc trục Quốc lộ 3, Quốc lộ 3B, Quốc lộ 3c, Quốc lộ 279 và tuyến Quốc lộ 3 mới, đề xuất xây dựng các kết nối ngang để tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh phục vụ kinh tế và du lịch. Cùng với giao thông, việc đa dạng hoạt động cho du khách đến Ba Bể cũng được đặc biệt quan tâm. Nếu như vài năm trước, du khách tới Ba bể chỉ có thể đi xuồng máy vãn cảnh hồ và chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ thì hiện các đơn vị lữ hành, các hộ kinh doanh đang từng bước đưa vào khai thác các dịch vụ mới như trải nghiệm văn hóa hát then, đàn tính; không gian văn hóa chợ đêm cùng các loại đặc sản như cá hồ nướng, cơm lam, bánh giầy, xôi ngũ sắc... từng bước phát huy lợi thế văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, các mô hình còn khá manh mún, nhỏ lẻ và chưa thực sự chuyên nghiệp. Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết, trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tập trung hướng tới việc đa dạng hình thức du lịch, hướng tới khai thác giá trị văn hóa bản địa và đặc trưng cảnh quan vườn quốc gia được thiên nhiên ưu đãi: "Không chỉ khai thác cái có sẵn, mà cần nhận diện tài nguyên du lịch và gây dựng thương hiệu cho tài nguyên du lịch. Để cụ thể hóa điều đó, chúng tôi đang phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng hồ sơ để công nhận di sản Ba Bể - Na Hang là di sản thiên nhiên thế giới. Quy định mới hiện nay đã cho phép Quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể có thể tích hợp với quy hoạch liên quan đến rừng đặc dụng, liên quan đến xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại khu vực, do đó, đây là điều kiện để có thể hợp lực các tài nguyên sẵn có để phục vụ cho du lịch." Quyết tâm phát triển du lịch Hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn được cụ thể hóa bằng hành động đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng đã có gần chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Sun Group, FLC, Trường Thành, Tài Anh… tìm đến với Ba Bể. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đề xuất khoảng 20 dự án xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với các sản phẩm nông, lâm sản địa phương, các khu trò chơi mạo hiểm, xây dựng tour du lịch thám hiểm Vườn Quốc gia và nhiều dịch vụ giải trí cao cấp khác… Theo ông Lâm Tiến Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm xsc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, Sở KH&ĐT Bắc Kạn, đây là lần đầu tiên, Bắc Kạn đón cùng lúc nhiều nhà đầu tư lớn. Phối cảnh tuyến điểm dừng chân, ngắm cảnh trên tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi Hồ Ba Bể Về các thủ tục pháp lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương phối hợp cùng các nhà đầu tư giải quyết, từ việc lập quy hoạch, thực hiện thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải quyết các vướng mắc khác đều được các sở ngành, trung tâm xúc tiến đầu tư thực hiện khẩn trương với tinh thần tạo điều kiện cho dự án thực hiện trong thời gian sớm nhất. Với nỗ lực và quyết tâm của các ngành, các cấp tỉnh Bắc Kạn cùng sự góp sức của các nhà đầu tư, mục tiêu đưa du lịch với trọng điểm là du lịch Hồ Ba Bể trở thành một mũi nhọn của kinh tế địa phương sẽ sớm hiện thực hóa. Và Hồ Ba Bể, viên ngọc xanh giữa núi rừng Việt Bắc sẽ ngày càng tỏa sáng, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước./. Công Luận / VOV Đông Bắc

Có thể bạn quan tâm:

  • Thác Bản Giốc
  • Đăk Lăk: hướng tới phát triển cà phê đặc sản
  • Khánh thành tượng đài Tổng Bí thư Trường Chinh
  • Dinh Độc lập
  • "Xõa" hết mình ở khu du lịch sinh thái Thủy Châu
  • Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới 1950 và Giải phóng tỉnh Cao Bằng (3/10/1950-3/10/2020)
  • Nhiều hoạt động du lịch đón chào năm mới 2022 tại Quảng Nam
  • Ba Khan
  • Chợ phiên Du Già
  • Bí kíp du lịch Nha Trang tự túc giá rẻ