Trầm tích Miếu Nổi
Vương quốc của... rồng Nằm chơ vơ giữa dòng chảy yên bình của sông Vàm Thuật (một nhánh của sông Sài Gòn), Miếu Nổi (thuộc địa bàn phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM) như một ốc đảo nhỏ giữa bốn bề sóng nước, xa xa là những vườn cây trái của quận 12. Giữa không gian đầy sắc xanh, Miếu Nổi hiện lên rực rỡ, hài hòa giữa mây trời non nước. Chuyện kể rằng, giữa thế kỷ 18, vùng đất Gia Định còn vô cùng hoang sơ, thưa thớt dân cư, có một người đàn ông làm nghề chài lưới, giữa đêm vô tình vớt được xác một phụ nữ ở thượng nguồn trôi về. Động lòng nhân, ông bèn đắp mộ, thờ cúng người đã khuất. Ban đầu, chỉ là một ngôi mộ nhỏ sơ sài. Nhưng từ đó, cuộc sống sông nước của ông bỗng dưng ngày càng khấm khá. Tiếng lành đồn xa, những ngư dân khác cũng theo nhau tới thắp hương, cầu phúc trước ngôi mộ trước mỗi đêm đi giăng lưới với hi vọng sẽ thu về nhiều tôm cá, thuyền ghe xuôi dòng thuận lợi. Dần dà, không chỉ những ngư dân chài lưới mà những chủ ghe thuyền buôn bán ngang qua cũng nán lại thắp hương, dâng lễ. Thấy vậy, các cụ bô lão trong vùng bèn tập hợp con cháu góp công góp của xây dựng ngôi miếu to hơn, đề phòng những lúc nước to, lũ lớn. Thế là, cùng với những tàu thuyền qua lại của các thương nhân người Hoa buôn bán vùng Gia Định, Chợ Lớn xưa ghé vào thắp nhang, Miếu Nổi ngày càng được tôn tạo với nhiều nét kiến trúc, văn hóa đặc trưng của người Hoa. Hình tượng rồng ở miếu Điều dễ dàng nhận thấy - cũng là hấp dẫn du khách nhất khi đến Miếu Nổi, chính là nét kiến trúc hình ảnh những con rồng. Ngay cổng chính là một đôi rồng làm bằng đá cẩm thạch uốn lượn theo thế song long đấu đầu vô cùng oai phong. Trong điện chính và các gian thờ trái, phải đều có khắc rất nhiều đôi rồng theo thế long chầu rất sinh động, đẹp mắt. Ngoài ra, 8 cột chính của miếu cũng đều có khắc rồng nổi uốn lượn ôm lấy thân cột vô cùng tinh xảo. Cuối cùng, hoành tráng nhất chính là 2 con rồng dài chừng 15m ôm trọn mặt tiền của hòn đảo nhỏ nơi miếu tọa lạc. Có thể nói, Miếu Nổi chính là một thế giới thu nhỏ của rồng vì trên miếu có hình ảnh hàng trăm con rồng ở rất nhiều tư thế, kiểu dáng khác nhau. Nét xưa còn lại Do địa hình khá đặc biệt nên để đến được miếu, người ta chỉ có thể đi đò từ Bến Cát (Bình Dương). Việc được ngồi trên một chiếc thuyền ngao du sông nước ngay giữa TPHCM hiện nay hẳn là một điều vô cùng thú vị. Từ Miếu Nổi, dõi mắt sang phía Tây bờ sông là những khu nhà cao tầng của quận Gò Vấp, phía Đông là những vườn cây trái ngút ngàn của vùng đất An Phú Đông màu mỡ - nơi người dân vẫn sinh sống bằng nghề làm vườn. Hình như giữa thành phố 10 triệu dân này, Miếu Nổi là một không gian khác lạ và có phần tách biệt, một không gian của những điều tâm linh thánh thiện. Được xây dựng trên nền đá xanh và bê tông, Miếu Nổi được mệnh danh là vùng đất thiêng bậc nhất của mảnh đất Sài Gòn - Gia Định suốt gần 300 năm qua. Điều đó đến từ niềm tín ngưỡng bất diệt của bao thế hệ người dân Việt và người Hoa. Đó không chỉ đơn thuần là ngôi miếu mà còn là nơi để người con của những dân tộc khác nhau xích lại gần hơn. Một góc thờ Mẫu trong miếu Sau khi được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, Miếu Nổi vượt ra khỏi tầm của một địa điểm tín ngưỡng thông thường, trở thành một địa chỉ du lịch. Hiện các tour du lịch dành cho du khách khám phá thành phố không nhiều. Có cảm giác chỉ mất 15 phút trôi êm qua 7 cây số, từ trung tâm thành phố, bạn như được về với miền Tây Nam Bộ - một không gian khác giữa Sài Gòn. Chú Sáu Hòa, người lái đò bao năm đưa khách từ Bến Cát ra Miếu Nổi, tâm sự: “Ngoài những người Hoa, người Việt, những năm gần đây, Miếu Nổi đón rất nhiều Việt kiều định cư ở nước ngoài về thăm. Trải qua nhiều năm bôn ba bên trời Tây, họ muốn tìm về quê hương với những vẻ đẹp thuần túy của ngày mới ra đi, trong đó nổi bật có Miếu Nổi”. Hà Thu, theo giaoducthoidai.vn