Thành Kèn - ngôi thành cổ nhất Nam Bộ

Thành Kèn - ngôi thành cổ nhất Nam Bộ

Lịch sử thành cổ Theo các tài liệu, thư tịch cổ, thành Kèn là ngôi thành có niên đại lâu đời nhất ở Nam Bộ còn lại cho đến nay. Đây là một công trình kiến trúc quân sự đặc sắc, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc khai phá vùng đất Đàng Trong thời kỳ chúa Nguyễn cũng như giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này. Trong Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức có ghi lại việc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh dựng dinh Trấn Biên, lỵ sở trấn Biên Hòa đặt ở thôn Phước Lư (nay là phường Quyết Thắng). Năm Gia Long thứ 15 (năm 1816), lỵ sở được dời về khu gò đồi thấp ở thôn Bàn Lân. Năm 1834, vua Minh Mạng cho đắp thành bằng đất trên nền thành cũ của người Lạp Man. Vì vậy, thành còn có tên là thành Cựu. Thành có quy mô lớn, dài 1.433m, cao 3,6m, dày 4,2m, hào rộng 17m, sâu 2,5m. Ngoài ra, thành còn có 1 kỳ đài và 4 cửa, mỗi cửa có cầu đá bắc ngang qua hào làm lối ra vào. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837), thành Cựu được xây lại bằng đá ong và đổi tên là thành Biên Hòa. Khi thực dân Pháp chiếm Nam Bộ, thành Biên Hòa là nơi phòng thủ của quan, quân nhà Nguyễn. Sau khi chiếm được thành, thực dân Pháp cho xây dựng lại, thu gọn chỉ còn 1/8 tổng diện tích cũ và đặt tên là thành Soldat (người dân gọi là thành Xăng Đá theo phiên âm). Cái tên thành Kèn là do người dân sinh sống trong khu vực thành đặt, xuất phát từ việc mỗi sáng sớm, lính Pháp lại thổi kèn hơi để báo thức. Âm thanh của kèn vang vọng khắp vùng nên dân địa phương gọi tên là thành Kèn. Sau khi chiếm đóng thành Biên Hòa, ngoài việc thu hẹp diện tích, người Pháp còn xây dựng thêm nhiều công trình bên trong như: Khu biệt thự, nhà thương, doanh trại và phố xá... Lúc này, thành được quy hoạch gần vuông theo lối Vauban như một trại lính cao cấp, “bất khả xâm phạm” dành cho quân đội Pháp. Đến thời kỳ Mỹ - ngụy, thành Biên Hòa vẫn được sử dụng vào mục đích quân sự. Năm 2001, do nhu cầu mở đường nội ô của thành phố Biên Hòa, một số hạng mục như lô cốt, vòng thành bị đập bỏ. Mặc dù diện tích của thành Biên Hòa hiện nay đã bị thu hẹp, một số hạng mục bị phá vỡ so với quy hoạch ban đầu, nhưng vẫn bảo lưu được yếu tố gốc cần thiết. Thành cổ Biên Hòa hôm nay Thành Kèn hiện là tòa thành cổ nhất còn sót lại của vùng Nam Bộ Không chỉ là một công trình quân sự quan trọng, thành cổ Biên Hòa còn là nơi lưu giữ các tầng văn hóa có niên đại lâu đời. Theo PGS.TS Phạm Đức Mạnh, nguyên giảng viên cao cấp khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, dự án khảo sát địa tầng nằm dưới thành cổ Biên Hòa do nhà trường phối hợp với Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Đồng Nai đã thu thập 3.277 tiêu bản có giá trị ở bên trong và ven thành. Số hiện vật là đồ gia dụng chiếm đến 98%, thuộc các thời kỳ lịch sử và nguồn cội văn hóa khác nhau như thời Cổ sử, thời Trung - cận đại và giai đoạn văn hóa Óc Eo. Những tiêu bản này chính là “bằng chứng sử đất” xác thực truyền thống cư trú và văn hóa lâu đời ở vùng đất Biên Hòa trước cả thời kỳ vua Gia Long, Minh Mạng xây thành Biên Hòa để trấn thủ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng những tác động bên ngoài, đã có thời gian thành cổ Biên Hòa lâm vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong đời sống hiện đại, tỉnh Đồng Nai đã triển khai gấp rút các biện pháp tu bổ, tôn tạo thành. Năm 2014, thành cổ Biên Hòa được trùng tu, tôn tạo các hạng mục: Khu nhà cổ phía Tây và phía Đông, các đoạn tường thành, tháp canh; xây mới sân lễ, hệ thống nhà vệ sinh, khu vực giữ xe; đầu tư cho hệ thống trưng bày hiện vật... với tổng kinh phí 41,4 tỷ đồng. Ông Trương Văn Thỏa ở khu phố 1, phường Quang Vinh (thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Trước đây, việc ra vào thành cổ rất khó nên người dân chỉ đứng ngoài nhìn vào. Chưa kể, qua thời gian, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm nên không ai dám đến gần. Nhưng nay, sau khi được trùng tu, tôn tạo, thành cổ đã đẹp hơn rất nhiều mà vẫn giữ được kiến trúc độc đáo cùng không gian thoáng mát. Người dân chúng tôi vui vì nay đã có nhiều du khách đến tham quan thành cổ hơn”. Nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn đầy đủ nhất về lịch sử thành cổ Biên Hòa, ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục cấp kinh phí cho công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật liên quan đến di tích để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm tham quan, nghiên cứu và du khảo “về nguồn”, góp phần quan trọng trong sự phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai. Cùng với đó, tỉnh cũng đã xây dựng các chương trình tour, tuyến gắn liền với các di tích, danh thắng khác như: Cù lao Phố, sông Đồng Nai, các đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Tri Phương, Trịnh Hoài Đức, căn cứ chiến khu D... nhằm tạo sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Trải qua thời gian và sự thăng trầm của lịch sử, thành Kèn, hay thành cổ Biên Hòa là minh chứng cho tinh thần bất khuất, quật cường trong buổi đầu khai hoang mở cõi, đồng thời ghi dấu lịch sử hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, là một phần trong trang sử vẻ vang của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hôm nay. Theo Công Thành, hanoimoi.com.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực Quảng Ninh trong du lịch
  • Hòn Kẽm Đá Dừng
  • Rượu ngô Na Hang – Hương vị Tuyên Quang
  • Bộ VHTTDL khẩn trương hoàn thiện các quy trình đón khách quốc tế thí điểm tại Phú Quốc
  • Bún ngô - Món quà ẩm thực Xứ Lạng
  • Thí sinh Nguyễn Hàm Hương đăng quang Người đẹp xứ Mường năm 2019
  • Đà Nẵng và Hội An - điểm đến cho muôn kiểu sống ảo của giới trẻ
  • Ninh Bình tạm dừng mọi sinh hoạt tôn giáo tập trung để phòng chống dịch
  • Du lịch TP.HCM kỳ vọng phục hồi trong năm 2022
  • Bắc Giang phát triển du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh