Thành cổ kí ức - Ngôi thành trải qua bao thăng trầm của lịch sử

Thành cổ kí ức - Ngôi thành trải qua bao thăng trầm của lịch sử

Lịch sử thành cổ Theo các tài liệu, thư tịch cổ, thành Kèn là ngôi thành có niên đại lâu đời nhất ở Nam Bộ còn lại cho đến nay. Đây là một công trình kiến trúc quân sự đặc sắc, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc khai phá vùng đất Đàng Trong thời kỳ chúa Nguyễn cũng như giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này. Ngược dòng lịch sử vào thế kỷ 14 - 15, Thành Kèn Biên Hòa có tên gọi là Thành Cựu. Thành được đắp bằng đất lần đầu tiên vào năm Gia Long thứ 15 (1816). Chu vi dài 280 trượng (1,187,2 m), cao 4 thước ba tấc (1m 996), dày 1 trượng (4m24). Hào rộng 2 trượng (8m48), sâu 6 thước (2m544). Đến năm Minh Mạng thứ 18 (năm 1837), thành Cựu được xây lại bằng đá ong và đổi tên là thành Biên Hòa. Khi thực dân Pháp chiếm Nam Bộ, thành Biên Hòa là nơi phòng thủ của quan, quân nhà Nguyễn. Sau khi chiếm được thành, thực dân Pháp cho xây dựng lại, thu gọn chỉ còn 1/8 tổng diện tích cũ và đặt tên là thành Soldat (người dân gọi là thành Xăng Đá theo phiên âm). Cái tên thành Kèn là do người dân sinh sống trong khu vực thành đặt, xuất phát từ việc mỗi sáng sớm, lính Pháp lại thổi kèn hơi để báo thức. Âm thanh của kèn vang vọng khắp vùng nên dân địa phương gọi tên là thành Kèn. Sau khi chiếm đóng thành Biên Hòa, ngoài việc thu hẹp diện tích, người Pháp còn xây dựng thêm nhiều công trình bên trong như: Khu biệt thự, nhà thương, doanh trại và phố xá... Lúc này, thành được quy hoạch gần vuông theo lối Vauban như một trại lính cao cấp, “bất khả xâm phạm” dành cho quân đội Pháp. Đến thời kỳ Mỹ - ngụy, thành Biên Hòa vẫn được sử dụng vào mục đích quân sự. Năm 2001, do nhu cầu mở đường nội ô của thành phố Biên Hòa, một số hạng mục như lô cốt, vòng thành bị đập bỏ. Mặc dù diện tích của thành Biên Hòa hiện nay đã bị thu hẹp, một số hạng mục bị phá vỡ so với quy hoạch ban đầu, nhưng vẫn bảo lưu được yếu tố gốc cần thiết. Thành cổ Biên Hòa hôm nay Không chỉ là một công trình quân sự quan trọng, thành cổ Biên Hòa còn là nơi lưu giữ các tầng văn hóa có niên đại lâu đời. Theo PGS.TS Phạm Đức Mạnh, nguyên giảng viên cao cấp khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, dự án khảo sát địa tầng nằm dưới thành cổ Biên Hòa do nhà trường phối hợp với Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Đồng Nai đã thu thập 3.277 tiêu bản có giá trị ở bên trong và ven thành. Số hiện vật là đồ gia dụng chiếm đến 98%, thuộc các thời kỳ lịch sử và nguồn cội văn hóa khác nhau như thời Cổ sử, thời Trung - cận đại và giai đoạn văn hóa Óc Eo. Những tiêu bản này chính là “bằng chứng sử đất” xác thực truyền thống cư trú và văn hóa lâu đời ở vùng đất Biên Hòa trước cả thời kỳ vua Gia Long, Minh Mạng xây thành Biên Hòa để trấn thủ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng những tác động bên ngoài, đã có thời gian thành cổ Biên Hòa lâm vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong đời sống hiện đại, tỉnh Đồng Nai đã triển khai gấp rút các biện pháp tu bổ, tôn tạo thành. Năm 2014, thành cổ Biên Hòa được trùng tu, tôn tạo các hạng mục: Khu nhà cổ phía Tây và phía Đông, các đoạn tường thành, tháp canh; xây mới sân lễ, hệ thống nhà vệ sinh, khu vực giữ xe; đầu tư cho hệ thống trưng bày hiện vật... với tổng kinh phí 41,4 tỷ đồng. Nhằm mang đến cho công chúng cái nhìn đầy đủ nhất về lịch sử thành cổ Biên Hòa, ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục cấp kinh phí cho công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật liên quan đến di tích để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, là điểm tham quan, nghiên cứu và du khảo “về nguồn”, góp phần quan trọng trong sự phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai. Thúy An/ dulich.petrotimes.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Mùa đông lên thượng ngàn ăn cơm mới của đồng bào Bru - Vân Kiều
  • Tây Ninh ghi nhận thêm 1 ca nhiễm Covid-19
  • Nghề đem lại hương thơm đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền
  • Phú Thọ chuẩn bị tour an toàn cho dịp đầu xuân và Giỗ Tổ Hùng Vương 2022
  • Khôi phục và bảo tồn hoa văn cổ trong sản phẩm dệt thổ cẩm Chăm Ninh Thuận
  • Gành Đá Đĩa
  • Đẹp mê mẩn hoa huỳnh liên nở vàng rực bên đường tàu Sài Gòn
  • Độc đáo Hương án đá hoa sen gần 600 năm tuổi ở chùa Khám Lạng
  • Đồng bào Khmer Vĩnh Long đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui mới
  • Trải nghiệm du lịch 1 ngày ở xứ Thanh