Rượu làng Vân
Làng Vân ở xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cách thành phố Bắc Ninh đúng một con sông Cầu. Chưa qua sông, người ta đã có thể cảm nhận được mùi vị của làng qua những thùng phuy bã rượu dựng dọc hai bên con đường đê dẫn xuống bến đò ngang. Rượu làng Vân chính cống phải là rượu gạo. Tùy theo nguyên liệu mà phân làm ba loại với chất lượng tăng dần theo thứ tự: rượu gạo tẻ, rượu gạo nếp, và rượu nếp cái hoa vàng. Với rượu gạo tẻ và rượu nếp, chỉ cần ủ men khoảng ba ngày, sau đó đem vào bếp nấu thì ra ngay thành phẩm. Nhưng với loại nếp cái hoa vàng thì không đơn giản như vậy. Ngoài việc phải chọn loại nếp ngon nhất để nấu "rượu cốt," người nấu rượu phải chuẩn bị một mẻ cơm to, chín đều, để làm chất xúc tác cho quá trình "hóa vàng" của rượu. Trong quá trình đó, rượu cốt sẽ được đổ vào một cái chum to có dung tích tầm 50l, dưới đáy sẽ được lót một lớp cơm làm nhiệm vụ "hút độ rượu." Sau sáu tháng, thứ rượu nếp trong vắt, nặng tới hơn 52 độ lúc ban đầu sẽ chuyển hóa thành một loại nước vàng ươm, tỏa mùi thơm dịu, và khi đo độ cồn sẽ chỉ còn vào khoảng dăm bảy độ. Rượu làng Vân nổi danh khắp vùng là "Vân hương mỹ tửu" Cái hay của rượu làng Vân, là rượu nặng nhưng uống vào thấy nhẹ, nhẹ nhưng uống vào lại thành nặng, có lúc uống một chén cũng có thể say, nhưng nhiều khi cả vò cũng không say. Say thì ngấm, rất ngấm, nhưng tỉnh cũng nhanh. Sắc phong “Vân hương mỹ tửu” là của vua ban, nhưng với những tay sành rượu đích thực, chỉ cần ngửi thứ "mỹ tửu" thơm nức mũi này, hay nếm chút cay cay tê tê đầu lưỡi, là đã có thể nhận ra luôn được chất rượu đã khiến bao nhiêu tửu đồ, từ người nghệ sĩ cho tới bác nông dân, một đời mê mẩn. Chẳng biết có phải vì thế không mà dân gian còn phong cho rượu làng Vân là vương tửu, uống vào thấy mình sướng...như vua. Anh Vũ (theo Cổng thông tin Điện tử Bắc Giang)