Rộn ràng Trung thu Hội An

Rộn ràng Trung thu Hội An

Biểu diễn múa lân tại Hội An Những ngày qua, cả Hội An rộn ràng không khi đón Trung thu Canh Tý, tiếng trống lân vang khắp phố thị, làng quê. Trên những ngả đường thành phố, nhiều đoàn Lân - Sư - Rồng đã biểu diễn phục vụ người dân địa phương. Nhiều năm qua, để tạo ra các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh nhân ngày Tết Trung thu, làm phong phú sản phẩm du lịch văn hoá, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thường tổ chức Hội Tết Trung thu với nhiều hoạt động giải trí đặc sắc. Từ 13 đến 15/8 âm lịch, tại các điểm di tích, nhà hàng, doanh nghiệp, nhà cổ, các cơ quan, đơn vị trong khu phố cổ đều trang trí lồng đèn, trưng bày mâm cỗ. Thông qua các hình thượng Thỏ Ngọc, Mặt Trăng, chú Cuội, chị Hằng... các mâm cỗ trưng bày nhiều loại hoa quả, thực phẩm phong phú sắc màu, thân thiện với môi trường và gần gũi với con người, khắc họa nên hình ảnh Trung thu đầy ý nghĩa. Tại vòng cung chùa Cầu diễn ra các đêm hát bội, giúp du khách, nhất là các em thiếu nhi, có dịp thưởng thức và tìm hiểu loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trẻ em tham gia rước đèn Trung thu phá cỗ đêm Rằm Năm nào cũng vậy, Hội thi múa Lân - Thiên cẩu, biểu diễn múa rồng, ảo thuật và văn nghệ “Em vui Trung thu” luôn tạo nên sân chơi đầy sắc màu cho tuổi thơ phố Hội. Ghé thăm cơ sở làm đầu Lân của anh Nguyễn Hưng, ở thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà mới cảm nhận thêm niềm vui của mọi lứa tuổi. Anh Hưng chia sẻ, dù đã là 13, 14 tháng 8 âm lịch nhưng cơ sở của anh vẫn có khá đông người chơi Lân tụ tập để chỉnh sửa, bổ sung thêm đạo cụ, sắc phục cho Lân và người múa. Tết Trung thu trẻ em được tặng quà và xem múa Lân Vui tết Trung thu đã trở thành hoạt động thường niên, một sản phẩm du lịch độc đáo của Hội An. Năm nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19, thành phố chỉ tổ chức đêm hội “Vui Tết Trung thu, Canh tý 2020” tại Công viên Hội An, ở số 2 đường Trần Hưng Đạo với các tiết mục biểu diễn Lân, Thiên cẩu, văn nghệ và tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Để đảm bảo hoạt động vui tết Trung thu của thiếu nhi được diễn ra an toàn và có ý nghĩa, các ngành chức năng của thành phố Hội An tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn và xử lý hành vi kinh doanh các sản phẩm, đồ chơi có tính chất bạo lực, phản giáo dục, kém chất lượng, độc hại, không phù hợp với trẻ em, trái với thuần phong mỹ tục. Từ năm 2018, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét công nhận Lễ hội Trung thu Hội An là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết múa Lân, múa Thiên cẩu gắn liền với Tết Trung thu và cũng là một trong những sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Hội An với mong muốn cầu an bình, may mắn cho cộng đồng. Nếp sinh hoạt này còn có sự giao lưu với múa linh vật của các cộng đồng dân cư sống ở Hội An như người Hoa, người Nhật Bản... thể hiện yếu tố giao lưu, tiếp biến với các vùng văn hóa khác: “Những hoạt động múa lân, cúng bái mong được mùa, mưa thuận gió hoà thì tại Hội An còn có nét riêng gắn với hoạt động của cư dân buôn bán, hoạt động thương nghiệp. Tại Hội An, Tết Trung thu còn mang tín ngưỡng cầu được tài lộc, mua may bán đắt... nên Tết Trung thu các chợ, hàng quán người ta hay rước các đội Lân về để múa"./. CTV Quốc Hải/VOV miền Trung

Có thể bạn quan tâm:

  • Từ 1/10, Khánh Hòa đón khách du lịch nội tỉnh đã tiêm 2 mũi Covid-19
  • Rộn ràng Hội xuân Liêng Nung tại Đắk Nông
  • Côn Đảo mở cửa di tích, khôi phục hoạt động du lịch
  • Nghề thêu, dệt truyền thống của người dân tộc Thái ở Điện Biên
  • 10 làng quê Việt Nam đẹp cổ kính và nên thơ
  • Ninh Thuận: Cùng bé trải nghiệm thú vị vào mùa hè tại bãi rùa đẻ
  • Bánh xèo miền Trung, chuyện ông Tây chụp bộ ảnh Mỹ Lai nổi tiếng hỏi chữ 'xèo, xèo'
  • Điện Biên có đường bay thẳng đầu tiên kết nối với TP.HCM
  • Khai quật khẩn cấp di chỉ Tuần Quán, Yên Bái: Nhiều giá trị văn hóa của thời kỳ tiền sử
  • Ninh Bình: Từ 0 giờ ngày 18/7, tạm dừng một số hoạt động dịch vụ, du lịch