Phú Yên kỷ niệm 410 năm, đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành Đá Đĩa
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương đọc diễn văn ôn lại lịch sử hình thành và phát triển Phú Yên qua 410 năm. Vào cuối thế kỷ 16 (mùa Xuân năm 1597), những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thanh - Nghệ - Thuận - Quảng theo Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất trấn biên từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, sinh cơ lập nghiệp. Với ý chí và sức mạnh đoàn kết của các thế hệ người Việt, người Chăm, người Ê Ðê, người Ba Na... chung lòng cùng nhau lao động sản xuất, chiến đấu. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa Đầu thế kỷ 17, vùng đất này đã trở nên trù phú, xóm làng đông đúc, là cơ sở để triều đình thành lập phủ Phú Yên với 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa vào năm 1611. 46 năm kể từ sau ngày giải phóng, nhất là sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những thành tựu quan trọng ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Nhân dịp này, tỉnh Phú Yên đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Gành Đá Đĩa được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, lục giác phân bố tương đối rộng bên bờ biển rộng 50m, dài 200m. Bazan dạng cột tại Gành Đá Đĩa ở tỉnh Phú Yên là độc đáo nhất Theo các chuyên gia về địa chất, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một vài địa điểm cũng xuất hiện lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa như ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi... Tuy nhiên bazan dạng cột tại Gành Đá Đĩa ở tỉnh Phú Yên là độc đáo nhất. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhã Uyên/VOV miền Trung