Phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng tại Lai Châu

Phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng tại Lai Châu

Khu du lịch guồng nước Nà Khương của huyện Tam Đường thu hút khách du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, tỉnh sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành, mát mẻ, đa dạng bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc nên có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng. Những năm qua, tỉnh đã đầu tư ngân sách hỗ trợ địa phương, người dân và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch để tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc. Sau gần 3 năm triển khai Đề án 316 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh luôn ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chủ lực “du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh tại khu vực thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường”. Đến nay, Lai Châu đã khai thác có hiệu quả một số sản phẩm du lịch cộng đồng tại: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo của huyện Phong Thổ; bản Hon, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, Nà Khương của huyện Tam Đường… Từ năm 2017 - 2019, tổng lượng khách đến tỉnh Lai Châu đạt 350 nghìn lượt với thời gian lưu trú khách du lịch quốc tế 1,6 ngày; khách du lịch nội địa 1,75 ngày. Doanh thu đạt 450 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 11 điểm du lịch cộng đồng với 30 hộ kinh doanh dịch vụ homestay đáp ứng nhu cầu khách tham quan; hỗ trợ để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các thông tin liên quan đến các điểm du lịch cộng đồng trên Website, mạng xã hội: Facebook, Youtube, Zalo…; xuất bản các loại tờ rơi, tập gấp, cẩm nang, bản đồ du lịch; giới thiệu quảng bá du lịch tại các hội chợ thường niên, sự kiện ở các tỉnh với sự tham gia trực tiếp tại các điểm du lịch cộng đồng. Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ đang thu hút đông đảo du khách gần xa trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá. Nhiều hình thức du lịch trải nghiệm mới được triển khai đã phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút du khách và đem lại thu nhập cho người dân nơi đây. Bản Sin Suối Hồ có 113 hộ, trong đó có 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng Homestay. Trước kia, du khách đến du lịch tại bản chỉ tìm đến địa danh đẹp, thưởng thức các món ăn địa phương và ra về ngay trong ngày. Nay đến bản Sin Suối Hồ, cùng với tham quan phong cảnh, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của bà con, tự tay tham gia những hoạt động thường ngày, khám phá những món ăn độc đáo. Lai Châu có 20 dân tộc anh em, đa dạng màu sắc văn hóa và truyền thống dân tộc phù hợp cho du lịch cộng đồng Theo ước tính của chính quyền xã Sin Suối Hồ, trung bình mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là du khách nước ngoài. Chị Hảng Thị Sú, bản Sin Suối Hồ chia sẻ: Bà con trong bản làm dịch vụ homestay, du khách có thể ở cả tuần cả tháng, cùng chia sẻ ẩm thực, văn hóa và được trải nghiệm các hoạt động: gặt lúa, hái thảo quả, làm bánh, dệt vải… Được cùng ăn, cùng ở với chủ nhà trong không khí ấm cúng thân thiện, du khách sẽ hiểu hơn về cuộc sống, con người và giá trị truyền thống dân tộc. Đó chính là điều tuyệt vời để tạo nên những kỷ niệm đẹp cho bản thân mỗi du khách khi đến với Sin Suối Hồ. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Trần Mạnh Hùng cho biết: Sở thường xuyên phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Trung ương, tỉnh về phát triển du lịch; đặc biệt là, nâng cao ý thức người dân tự giác giữ gìn môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tại các điểm du lịch. Nhờ được tuyên truyền, người dân đã đặt thùng rác, trồng cây, hoa, làm đẹp nhà cửa, bản làng, tự giác di dời chuồng trại gia súc, bảo đảm an ninh trật tự; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương. Sở cùng địa phương mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về du lịch, trang bị những kiến thức cơ bản về làm du lịch cho bà con; hướng đến phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp các cấp, ngành, địa phương định hướng, quy hoạch các khu, điểm du lịch của tỉnh Lai Châu phát triển theo hướng bền vững với điểm nhấn là du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tỉnh lựa chọn địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, không làm đại trà; đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển du lịch địa phương. Trong đó, tỉnh hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, xây dựng công trình nhà vệ sinh tại các nhà có phòng ở cho khách, hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống. Việt Hoàng/ TTXVN

Có thể bạn quan tâm:

  • Kỳ vĩ hang động núi lửa Đắk Nông
  • Kinh nghiệm du lịch Pù Luông, Thanh Hóa
  • Mê mệt sò huyết đầm Ô Loan
  • Ngắm kỳ quan Vịnh Hạ Long lãng mạn từ phà Tuần Châu
  • Gợi ý loạt địa điểm check-in sang chảnh giữa lòng thủ đô dịp Tết 2020
  • Quán cà phê ngắm hoàng hôn Vũng Tàu
  • Bến Tre: Tranh giành khách, một nữ hướng dẫn viên du lịch bị đánh trọng thương
  • Chia sẻ kinh nghiệm du lịch Ninh Thuận trong 1 ngày
  • Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo
  • Về Làng nổi Tân Lập - Check-in đường xuyên rừng tràm đẹp nhất Việt Nam