Pác Bó vào xuân

Pác Bó vào xuân

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), Bác Hồ trở về nước qua mốc 108 (cũ), tại xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ngay từ khi trở về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, hôm nay, những người dân Trường Hà đã nỗ lực vươn lên, xây dựng vùng đất biên cương nơi đây ngày một đổi thay, phát triển. Xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng là khu dân cư nông thôn mới nằm trong khu vực di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó những ngày này tấp nập du khách, những bản nhỏ của đồng bào Nùng nơi đây thêm rộn rã, sôi động. Không hiếm những căn nhà xây kiên cố 2-3 tầng, đường giao thông được bê-tông hóa rộng rãi, phẳng phiu… Một số hộ gia đình tham gia các dịch vụ, phục vụ nhu cầu của du khách tham quan; số khác làm nông nghiệp đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp vào sản xuất nên đời sống kinh tế của đồng bào bản Pác Bó ngày càng nâng lên. Câu chuyện ngày xuân được bàn bạc rôm rả là những dự định làm ăn trong năm mới. Ông Hoàng Đức Tính, một điển hình làm VAC cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho biết: "Pác Bó bây giờ đã rất khang trang, người nghèo được hỗ trợ làm nhà, người dân được chăm lo chu đáo. Bản thân tôi là người dân thấy mình phải có trách nhiệm lớn lao đó là gìn giữ khu di tích Pác Bó và xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp hơn." Xóm núi Pác Bó với những nhà xây cao tầng mọc lên, minh chứng cho sự đổi thay trong đời sống người dân Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pác Bó Nông Thanh Bằng tự hào, cả bản có hơn 90 hộ dân, hơn 370 nhân khẩu nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo, nhiều hộ thuộc diện khá giả. Nhân dân Pác Bó đã bảo vệ thành quả cách mạng và phấn đấu để xóa tỉ lệ hộ đói nghèo, luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, có thể nói đời sống, thu nhập của bà con cơ bản khá ổn định. Cận Tết, làng nghề hương thảo mộc Nà Kéo (xã Trường Hà) cũng nhộn nhịp hơn. Tiếng giã vỏ cây, tiếng máy nghiền nguyên liệu rộn ràng xóm nhỏ. Không ai biết nghề làm hương ở đây có từ khi nào. Người già trong bản kể lại, lúc đầu mỗi gia đình chỉ làm hương để sử dụng, sau chẳng biết khi nào dần trở thành hàng hóa. Đến giờ thì loại hương làm thủ công bằng tay với toàn bộ nguyên liệu từ cây, lá rừng này rất được khách hàng ưa chuộng, sản phẩm làm ra thường không đủ cung ứng cho thị trường. Người dân Nà Kéo, xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) tất bật làm hương cho dịp Tết Nguyên đán Đầu năm 2020, khi làng nghề làm hương Nà Kéo được tỉnh Cao Bằng công nhận làng nghề truyền thống, đời sống của hơn 30 hộ gia đình theo nghề này cũng ổn định hơn. Bà Sầm Thị Sấn, năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt tráng lớp bột hương lên từng thanh tre, chia sẻ: bà về làm dâu ở Nà Kéo được bố mẹ chồng truyền lại nghề, đến nay cũng đã hơn 40 năm. Làm hương tuy bận rộn nhưng giúp bà con có thu nhập khá. Bà Sằm Thị Sấn chia sẻ về nghề làm hương thảo mộc truyền thống tại Nà Kéo "Nghề này đã duy trì truyền thống đến đời tôi là 3-4 đời rồi. Chúng tôi làm và mang ra chợ phiên bán, ngày tết thì bán được nhiều hơn. Ví dụ ngày thường bán được khoảng 300-400 nghìn đồng thì ngày giáp Tết sẽ được 700-800 nghìn đồng. Mong là nghề làm hương truyền thống của mình sẽ có đầu ra ổn định, hàng bán được nhiều hơn," bà Sấn chia sẻ. Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Trường Hà đã nỗ lực xây dựng quê hương trở thành điểm sáng trong xây dựng Nông thôn mới của Cao Bằng. Năm 2015 Trường Hà đã về đích trong xây dựng NTM, trong đó có 2 thôn xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Trường Hà đã cơ bản có đủ hệ thống trạm y tế, bác sỹ chăm sóc sức khỏe cho người dân; trường học được kiên cố hóa. Trong phát triển kinh tế, những mô hình sản xuất nông nghiệp mới như trồng bưởi da xanh, trồng lạc hay duy trì làng nghề thủ công truyền thống. Bà Bế Thị Từ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trường Hà, huyện Hà Quảng cho biết, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt mục tiêu xây dựng 2 xóm là Nà Mạ, Hòa Mục trở thành xóm nông thôn mới nâng cao, để sau này xã Trường Hà cũng sẽ là Nông thôn mới nâng cao. Bộ mặt nông thôn miền núi tại xã Trường Hà đổi thay tích cực Những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, những con đường thảm bê tông sạch sẽ, những ngôi nhà khang trang, những phòng học kiên cố nối nhau mọc lên nơi xóm núi… là những minh chứng cho sự đổi thay mạnh mẽ, nhanh chóng của vùng đất này. Xuân đã về, những nhánh đào khoe sắc thắm soi bóng trên dòng suối Lê Nin như tô điểm thêm cho vùng đất biên cương Cao Bằng đang đổi thay từng ngày./. Công Luận / VOV Đông Bắc

Có thể bạn quan tâm:

  • Cầu Ngói chợ Lương một trong 3 cầu ngói đẹp nhất Việt Nam
  • Thừa Thiên - Huế chưa đón khách nội địa trong tháng 11
  • Tập 3 "Phiêu lưu cùng Gulliver" Mùa 3: Quốc Khánh dí dỏm, Thùy Anh không ngại khó
  • Gánh cao lầu có “nội thất” xịn nhất Hội An
  • Mũi Điện
  • Dinh Cậu
  • Khách sạn Hanoi Antique Legend Hotel
  • Tuyệt tác thạch nhũ trong hang Chà Lòi
  • Tẩu khía - Món ăn quen thuộc của người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang
  • Những quán cà phê mở xuyên Tết ở Hà Nội