"Ơ kìa Hà Nội" - Điểm hẹn cho những người yêu Hà Nội xưa
Gợi nhắc về Hà Nội xưa Khi cuộc sống nơi thành thị gieo vào đầu óc con người những trăn trở, lo toan và suy nghĩ, người ta thường có xu hướng kiếm tìm những điều giản dị, trong trẻo để cảm nhận được sự an yên trong tâm hồn. Và ngay giữa lòng thủ đô tấp nập ồn ã, có một nơi yên bình, giản dị đến lạ thường mà bạn chẳng phải mất công tìm kiếm đâu xa, đó là "Ơ kìa Hà Nội". Nằm sâu trong một con ngõ ở phố Hoàng Hoa Thám, "Ơ kìa Hà Nội" là một không gian rất yên tĩnh, ấm áp và nhẹ nhàng, thích hợp để ghé lại sau những ngày làm việc căng thẳng. Quán nổi bật với màu xanh dịu mát của cây cối, cánh cửa và cả biển số nhà Ấn tượng đầu tiên về nơi này là không gian “cây nhà lá vườn” thoáng mát, như xoa dịu đi cái nóng oi bức, ngột ngạt của Hà Nội những ngày hè. Lữ khách đến đây có thể thoải mái hít thở thật sâu mà không cần lo ngại khói bụi từ các xe cộ, hàng quán. Cũng bởi nằm trong một con ngõ nhỏ nên không gian ấy lại càng yên ắng, đối lập hoàn toàn với sự nhộn nhịp của con đường lớn cách đó vài trăm mét. Quán sở hữu những bộ bàn trà nhỏ xinh, màu nâu trầm giản dị Bước vào sau cánh cửa màu xanh mộc mạc, có lẽ nhiều người sẽ chẳng còn muốn rời đi nữa. Ngồi thưởng trà trong sân, lắng nghe tiếng chim hót trong veo, ngắm nhìn những chiếc lá khẽ rơi lơ lửng giữa không trung rồi nhẹ nhàng chạm xuống mặt đất tựa hồ như những diễn viên múa ba lê đang trình diễn, người ta như được sống chậm lại, thoát khỏi nhịp sống hối hả nơi phố thị phồn hoa. Hàng tre mộc mạc vươn mình tỏa bóng mát Xã hội phát triển, kiến trúc hiện đại đã không còn dùng đến những khung cửa sổ lá sách cũ, thế nên khi bước vào đây, nhìn thấy những gì thuộc về quá khứ, ai nấy cũng đều phải thốt lên “Ơ kìa!” đúng như tinh thần mà tên quán hướng đến. Những bức tranh, tủ gỗ mộc mạc, bộ bàn ghế và ngay cả những cánh cửa sổ lá sách cũ đều góp phần gợi nhớ về Hà Nội xưa Đồ đạc trong phòng đều mang tông màu trầm ấm Được biết, chủ quán chính là đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp với bộ phim đầu tay Đập cánh giữa không trung (2014). Chị lấy cảm hứng từ quãng thời gian Hà Nội cuối bao cấp để tạo nên không gian này, nên mọi ý tưởng, đồ đạc ở đây đều khiến người ta nhớ lại một phần kí ức về Hà Nội. Mỗi người đều có một cách để nương vào quá khứ và chị đã chọn việc lưu giữ những kí ức đó cho những ai đang muốn tìm về một thuở xa xăm, yên bình và thân thuộc năm nào. Một vị khách ghé qua quán ung dung thưởng trà Người ta thường đến đây để tìm một không gian tĩnh lặng đọc sách, đắm mình trong một vài bài thơ, thả lỏng tâm hồn vào một bản nhạc da diết… Hồng Khuyên - một vị khách sinh viên, chia sẻ: “Ấn tượng với quán vì không gian ở đây vô cùng yên tĩnh, thích hợp để đọc sách và đặc biệt có những quyển từ rất lâu mà mình chưa bao giờ có cơ hội đọc. Mình thường nghe người ta kể lại Hà Nội ngày xưa đẹp yên bình với một sự hoài niệm và thương nhớ, mặc dù chưa từng trải qua nhưng khi đến đây mình như được nhìn lại một chút kí ức của thời đó”. Nơi trú chân dành cho những người yêu nghệ thuật Ngày nay, tại Hà Nội, không quá khó để tìm kiếm những quán café trang trí giống thời bao cấp, nhưng lại không hề dễ để kiếm tìm một không gian thực thụ dành cho những người yêu nghệ thuật như nơi này. Có lẽ điều đó đã làm nên một không gian quán thật khác biệt, độc đáo! Quán là điểm đến thú vị với một “rạp chiếu bóng nhỏ nhất thế gian” - Okia Cinema - câu lạc bộ cho người yêu điện ảnh, một ý tưởng được khởi xướng bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. “Rạp chiếu bóng” không quá rộng nhưng lại là không gian thưởng thức nghệ thuật yên tĩnh và ấm áp. Những bộ phim họ đem đến đều là những câu chuyện chưa kể về Hà Nội, là những lát cắt của cuộc sống đời thường dung dị. Bởi những người làm phim đều hiểu rằng: “Có cả hàng trăm nghìn người trong thành phố này, mỗi ngày nhìn thấy nhau, nhưng… chẳng biết gì về nhau.” Điểm hẹn ấm cúng, thân tình giúp kết nối những tâm hồn yêu nghệ thuật Níu giữ bước chân lữ khách ở lại đây còn là một bảo tàng thơ thu nhỏ ấn tượng. Đó là không gian không quá rộng được chị Hoàng Điệp dành toàn bộ tầng 2 để tái hiện căn phòng 6m2 ở 96A phố Huế - nơi 2 nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh từng sống. Căn phòng không chỉ đơn thuần lưu giữ những bản thảo, bức thư, nhật ký của hai nhà thơ mà còn là một không gian sáng tác cho những người yêu thơ. Căn phòng nhỏ bé đầy ắp những kỉ niệm của nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh Bạn Ngọc Anh, một khách hàng của quán chia sẻ: “Mình ấn tượng nhất là căn phòng cũ của nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh được phục dựng ở đây. Điều này khiến mình rất xúc động. Không thể ngờ rằng vẫn có không gian đặc biệt dành cho những người yêu thơ như vậy.” Không gian tái hiện căn phòng 6m2 ở 96A phố Huế - nơi 2 nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh từng sống “Có rất nhiều người yêu thơ, phim ảnh và hội họa ghé đến đây thường xuyên. Bây giờ chị chủ quán đang muốn biến nơi này thành một trại sáng tác và làm nghệ thuật. Là một người yêu thích văn chương nên thật may mắn và tuyệt vời vì có người đem lại cơ hội đó cho mình, nên mình rất trân trọng” - chị Trinh (22 tuổi) - một trong những nhân viên trẻ nhất của quán tâm sự. Những dòng chữ đã nhuốm màu xưa cũ của thời gian Ơ kìa Hà Nội không chỉ là một điểm đến thân thuộc dành cho những người yêu Hà Nội mà còn là nơi được thổi hồn bởi tâm huyết, tấm lòng của những người luôn trân trọng quá khứ, muốn lan tỏa giá trị tinh thần tốt đẹp đến mọi người. Mà những giá trị tốt đẹp thì luôn sống mãi với thời gian! Diệu Linh