Ninh Bình: Điểm du lịch tâm linh độc đáo
Cố đô Hoa lư Là miền sông nước phong cảnh hữu tình, Cố đô Hoa Lư không chỉ được biết với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà nơi đây còn có những địa điểm du lịch tâm linh được du khách trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm. Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất này lại được vua Đinh lựa chọn để xây dựng kinh thành. Đó phải là nơi có lưng tựa núi, hướng nhìn sông, bao quanh là núi đồi, tạo thành một thế phòng thủ kiên cố, bất khả xâm phạm. Lễ hội Hoa Lư Nơi đây mang nhiều công trình kiến trúc có ý nghĩa lịch sử lớn lao, cùng với các lễ hội truyền thống được lưu truyền đến tận bây giờ. Đặc biệt, đến với mảnh đất Cố đô Hoa Lư, ngoài việc thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình thì nơi đây còn có hệ thống các ngôi chùa tâm linh nổi tiếng. Khu di tích Hoa Lư được chia làm 3 vùng: Vùng bảo vệ đặc biệt - Vùng này gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, có các di tích như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh và lăng vua Lê…; một phần khu sinh thái Tràng An và tường thành, nền cung điện dưới lòng đất... Vùng đệm gồm khu vực cảnh quan 2 bên sông Sào Khê và quần thể di tích Tràng An, bao gồm chùa và động Am Tiên, đình Yên Trạch... Các di tích liên quan mặc dù không nằm ở hai vùng trên nhưng chúng có vai trò quan trọng trong thời kỳ nhà Đinh, bao gồm: Chùa Bái Đính, cổng Nam, cổng Động, động Hoa Lư, động Thiên Tôn, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh và các di tích thờ vua Đinh ở tỉnh Ninh Bình. Cố đô Hoa Lư trở thành quần thể kiến trúc, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt quan trọng cần được hết sức gìn giữ của Việt Nam và cũng là nơi được tổ chức UNESSCO công nhận là 1 trong 4 vùng lõi thuộc Quần thể di sản thế giới Tràng An. Cùng với bề dày thời gian lên tới hơn 1.000 năm, đây là nơi lưu giữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại. Bên cạnh đó là cả những dấu tích thành trì cổ xưa còn sót lại, những núi non, hang động kỳ thú. Chùa động Am Tiên Ninh Bình được ví giống như viên ngọc trên bản đồ du lịch Việt Nam, có sông, có núi và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc. Trong đó có chùa động Am Tiên với phong cảnh kỳ bí và động Am Tiên là một di tích quốc gia thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Nơi đây còn được mệnh danh là "Tuyệt tình cốc" của Việt Nam. Ghé thăm chùa động Am Tiên, cảm giác đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến đây như được bước chân vào một thế giới riêng biệt. Nằm trong quần thể khu di tích cố đô Hoa Lư, chùa Am Tiên là nơi tu hành của Thái hậu Dương Vân Nga trong những năm cuối cuộc đời. Ngôi chùa này có thế dựa núi, mặt hướng ra hồ "Tuyệt tình cốc", xung quanh 4 bề là núi bao quanh khiến du khách như lạc vào chốn "thâm sơn cùng cốc", phong cảnh lại hữu tình, không gian tĩnh mịch gợi cảm giác man mác buồn. Có một tấm bia cổ từ thời Lý, chữ đã mờ hết, không đọc được. Nhưng tấm bia dựng thời vua Ðồng Khánh, chữ viết còn rõ ràng, nói về việc tu sửa chùa và động. Đây là nơi vua Đinh Tiên Hoàng nuôi hổ báo để trừng trị những người phạm tội nặng. Đến thời Lý, nhà sư Nguyễn Minh Không đã ở trong hang tụng kinh thuyết pháp, xây bệ thờ Phật ở trong hang, người đời sau mới mở ra cảnh chùa chiền để khách thập phương hành hương đến đó. Chùa động Am Tiên Động Am Tiên ở lưng chừng núi, phải leo qua 205 bậc đá qua vách núi. Động có hình giống như miệng con rồng nên còn được gọi là hang rồng. Nhiều nhũ đá có hình cây thóc, cây tiền, trái phật thủ, nụ hoa sen rủ xuống cùng những giọt nước. Hai bên đường vào khu du tích lại được phủ một màu xanh rì của những cây xà cừ cổ thụ khiến không gian càng thêm thuần khiết, uy nghi. Thời gian đã tàn phá nhiều dấu tích xưa nhưng trước cửa động vẫn còn lưu giữ chuông chùa, 3 bia đá cổ có khắc những công góp xây dựng chùa từ hàng trăm năm trước. Đứng từ chùa Am Tiên nhìn xuống là không gian mênh mông rộng lớn của cảnh quan hùng vĩ với thế núi cao sừng sững và hồ nước trong xanh trải dài hút tầm mắt, từ đó cảm nhận được không khí linh thiêng, hào hùng của một thời lịch sử. Chùa Bái Đính Chùa Bái Đính là khu du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến Ninh Bình. Chùa Bái Đính được biết đến với những kỷ lục không chỉ ở Việt Nam mà còn cả khu vực châu Á. Chùa Bái Đính được xây dựng mới vào năm 2003 và khu chùa Bái Đính cổ năm 1136 tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Toàn cảnh chùa Bái Đính về đêm Sau khi việc xây dựng hoàn tất quần thể khu chùa Bái Đính được xác lập nhiều kỷ lục của châu Á cũng như Việt Nam, như: Khu hành lang tượng La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất châu Á… và nhiều kỷ lục khác. Quần thể chùa Bái Đính có diện tích 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ có lịch sử hình thành từ thời nhà Đinh và 80ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003, cùng nhiều hạng mục khác. Bao bọc xung quanh chùa là những vòng cung núi đá vôi cao lớn, kỳ vĩ, hoà hợp với cảnh chùa tạo thành một công trình đồ sộ, trang nghiêm. Với quy mô hiện tại của chùa Bái Đính, hiếm có ngôi chùa nào ở Việt Nam sánh được. Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á. Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trên toà sen và niệm hoa sen ở Chánh điện trong điện thờ Pháp chủ của chùa đã được Trung tâm kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu lục. Tượng cao 10m, nặng 100 tấn bằng đồng nguyên chất dát vàng, đặt trên bệ cao 1,5m là một trong những biểu tượng của chùa Bái Đính. Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á được an vị trên một ngọn đồi ở bên phải điện thờ Tam Thế Phật của chùa Bái Đính, pho tượng này được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings công nhận là tượng Di Lặc lớn nhất nước. Khu vực đặt tượng đồng cao 10m, nặng 80 tấn là địa điểm chụp ảnh nổi tiếng tại Ninh Bình. Bảo tháp cao nhất Đông Nam Á được tọa lạc ở phía Tây điện Tam Thế thuộc khu chùa Bái Đính mới, Bảo tháp Xá lợi bao gồm 13 tầng tháp với chu vi theo hình lục giác là 24m và chiều cao 99m - một con số tượng trưng cho sự vĩnh cửu, tốt lành và may mắn. Bảo tháp được thiết kế và xây dựng theo phong cách hoàn toàn thuần Việt với kiến trúc mang đậm dấu ấn Phật giáo thời nhà Lý. Tầng cao nhất của tháp là nơi bảo tồn và thờ Xá Lợi của Phật được cung nghênh từ Ấn Độ về. Hành lang La Hán dài nhất châu Á của chùa Bái Đính có chiều dài lên đến gần 3km, trưng bày các bức tượng của các vị La Hán bằng đá. Từ nhà gỗ Tam Quan theo 2 hướng Đông và Tây dọc đến Tả vu và Hữu vu chùa, mỗi bên gồm 117 gian hành lang. Mỗi dãy hành lang La Hán tại chùa Bái Đính có kiến trúc từ thấp lên cao với 22 bậc, mỗi bậc cao 1,35m, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Tại chùa có đến 500 bức tượng La Hán bằng đá nguyên khối cao từ 1,5 đến 2m đặt dọc theo hành lang La Hán, được chạm trổ mềm mại và tinh tế. Các tượng phật La Hán hành lang chùa Bái Đính Đặc biệt hơn, mỗi pho tượng đều được tạo hình khuôn mặt, dáng đứng ngồi hoàn toàn khác biệt, đến biểu cảm của các vị La Hán cũng mỗi người một vẻ vô cùng thú vị… Khung cảnh nước non hữu tình, thơ mộng và thanh bình nơi đây khiến người ta có cảm giác thoát tục, tĩnh tại. Tìm về với những gì nguyên sơ và an yên nhất trong tâm hồn mình, hòa mình vào không gian Phật giáo nắm giữ nhiều kỉ lục bậc nhất châu Á sẽ là trải nghiệm thú vị trong những chuyến đi của mỗi chúng ta. Năm 2018, Ninh Bình đã đón tiếp 7,3 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm 2017, riêng 6 tháng đầu năm 2019, trên 5,4 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, doanh thu đạt 2.300 tỷ đồng. Ngành du lịch Ninh Bình phấn đấu trong năm 2019, sẽ đón 7,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 900 ngàn khách quốc tế . Theo baodansinh.vn