Những thức quà đặc sản vào mùa thu tại Thái Nguyên

Những thức quà đặc sản vào mùa thu tại Thái Nguyên

Đặc sản hàng đầu của Thái Nguyên phải nói ngay đến là trà, bởi trà Thái đậm đà vị chát dịu, để lại dư vị ngọt ngào và thoảng hương thơm mùi cốm, khiến cho ai đã từng thưởng thức sẽ nhớ mãi. Thế nhưng, nơi đây còn rất nhiều loại đặc sản khác, đặc biệt vào mùa thu, với những thức quà tươi, ngon mà bạn không nên bỏ qua trong hành trình du lịch đến với Thái Nguyên. 1. Na La Hiên Xưa nay, nói đến na là người ta nghĩ ngay tới na Chi Lăng (Lạng Sơn) – loại quả đã được xếp vào danh sách 50 loại trái cây ngon nhất Việt Nam, mà ít người biết rằng, Thái Nguyên cũng có thứ na ngon không kém, đó là na La Hiên (đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ  cấp nhãn hiệu tập thể). Sản phẩm này đã trở thành đặc sản, món quà quý mà trời đất ưu ái ban tặng cho vùng đất La Hiên, huyện Võ Nhai. Na La Hiên quả to, múi căng, thưa hạt, vị ngọt đậm, hương thơm khó quên không lẫn với bất cứ nơi nào. Cây na được trồng ở khắp các sườn núi và thung lũng ở La Hiên Cứ vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, là lúc mùa na chín, đến La Hiên đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những vườn na xanh mướt đầy quả cùng những người dân hái na, chở na đi chợ bán tấp nập. Hai bên đường Quốc lộ 1B đoạn qua xã La Hiên, huyện Võ Nhai, những gánh, bàn, quầy tạm giới thiệu đặc sản na của  địa phương mọc lên san sát, kéo dài cả cây số. Nếu du khách có dịp đến với Võ Nhai du ngoạn thì đừng quên thưởng thức những trái na La Hiên thơm ngọt, để rồi trước khi chia tay lựa cho mình vài cân na làm quà cho người thân, bạn bè. Na La Hiên quả to, múi căng, thưa hạt, vị ngọt đậm 2. Ổi Linh Sơn Xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên có lợi thế về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với sự phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây ổi. Trên toàn xã, hiện có gần 70ha ổi, hằng năm, cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn quả. Ổi Linh Sơn có cùi dày, có vị ngọt đậm, thơm và giòn, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm ổi ở đây cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận bảo hộ cho nhãn hiệu “Ổi Linh Nham xã Linh Sơn” vào tháng 8/2019. Ổi Linh Sơn ra quả bốn mùa nhưng vào tiết thu là thời điểm chính vụ hơn cả. Ổi chín được người dân địa phương thu hái và bày bán dọc theo tuyến đường liên xã cũng như tại các chợ của thành phố Thái Nguyên. Ổi Linh Sơn có cùi dày, có vị ngọt đậm, thơm và giòn, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng 3. Trám đen Hà Châu Trong các sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên thì trám đen là một trong những đặc sản nổi tiếng. Trám đen là cây thân gỗ, ra hoa vào tháng hai, quả chín vào tháng bảy âm lịch. Nhưng mùa trám có thể kéo dài đến hết tháng chín do trám không chín cùng lúc mà cây chín trước, cây chín sau. Quả trám hình thoi, khi chín có màu đen, cùi trám vàng, nhân bên trong hạt trắng ngần. Người ta có thể dùng trám để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như xôi trám, trám kho thịt, cá, gỏi trám và đặc biệt là món nham trám đã trở thành đặc sản nổi tiếng của người dân Hà Châu, huyện Phú Bình, chỉ ăn một lần là nhớ mãi không quên. Trám đen Hà Châu – Đặc sản của người Phú Bình 4. Măng nứa tép tươi Cứ vào độ khoảng tháng 7 cho tới tầm tháng 9 âm lịch, những người nông dân ở vùng núi của huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên)…  tranh thủ nông nhàn, nhà nhà lại vào rừng hái măng nứa tép, bóc vỏ rồi đem ra chợ bán. Đây là khoảng thời gian măng nứa vào đúng mùa nên ăn ngon và mềm nhất. Măng nứa tép có ngọn nhỏ thường chỉ tầm ngón chân cái hoặc to hơn chút, măng đã bóc vỏ có màu trắng nõn vô cùng đẹp mắt. Măng nứa chính vụ có giá bán từ 20.000 – 30.000/kg. Măng nứa tép tươi được bày bán rất nhiều tại các chợ của huyện hay tại trung tâm thành phố Thái Nguyên vào buổi chiều. Thời điểm này, khi đi du lịch tại một số điểm như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, suối Cửa Tử, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà… du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân ướt đẫm mồ hôi gùi những bao măng vừa đi hái trên rừng xuống bán cho du khách.  Một số người để đáp ứng nhu cầu của khách, họ còn luộc măng chín sẵn rồi mang ra bán khi đó măng luộc vẫn nóng nổi, bốc hơi nghi ngút, người dân mua về chỉ việc chế biến rất thuận tiện. Măng nứa tép Thái Nguyên có vị ngọt, giòn, có thể chế biến thành nhiều món ăn như: măng nứa xào thịt, măng nứa nấu canh, măng nhồi thịt, măng luộc chấm mắm ớt... đều rất thơm ngon, hấp dẫn. Măng nứa tép tươi được bày bán rất nhiều tại các chợ của huyện,chợ trung tâm thành phố Thái Nguyên vào buổi chiều Biết rằng, thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến rất phức tạp trên cả nước do đó người dân cũng hạn chế đi du lịch. Nhưng nếu có dịp đến với Thái Nguyên vào thời điểm mùa thu, bạn đừng quên mua những thức quà tươi ngon trên về làm quà bạn nhé. Theo Cổng DL Thái Nguyên

Có thể bạn quan tâm:

  • Thủ tướng dự lễ khánh thành cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau
  • Cổ Đạm - Vẻ đẹp mộc mạc của gốm đất nung rồi có lụi tàn?
  • Nhà máy thủy điện Yaly
  • Bạc Liêu: Cách ly gia đình người bán hàng rong do tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19
  • Khởi tố lái xe khách gây tai nạn làm 6 người tử vong ở Kon Tum
  • Bánh đập hến xào “gây mê” không thể bỏ qua khi đến xứ Quảng
  • Lào Cai: Sương muối phủ trắng đỉnh Fansipan
  • Đi tìm sự bình yên ở Địa Tạng Phi Lai tự
  • Đến Tây Yên Tử, khám phá vùng đất thiêng
  • Hồ Pá Khoang