Những ngày kiêng kỵ trong năm của người Dao Lai Châu
Theo quan niệm của người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, kể từ ngày mồng một Tết trở đi đến ngày “Dần” đầu tiên (theo lịch Can Chi) trong tháng Giêng là ngày kiêng con hổ (kỉnh đì mào) để con hổ không gây họa cho gia súc. Ngày này bà con nghỉ mọi việc đồng áng, không được hô to hoặc gây tiếng động lớn trong ba ngày liền (ngày thứ nhất: kiêng hổ nằm; ngày thứ hai: kiêng hổ đi; ngày thứ ba; kiêng dao búa). Ngày mười lăm tháng Giêng là ngày kết thúc Tết Nguyên đán, ngày này bà con không đi làm chỉ nghỉ ăn chơi. Phụ nữ Dao Khâu nghỉ ăn chơi trong ngày kiêng kỵ Ngày hai mươi tháng Giêng là ngày kiêng gió đề cầu mong gió không gây tai họa cho con người, nhà cửa mùa màng. Mọi người đều lấy nắm cỏ tranh, chia làm 8 phần nhỏ, mỗi phần thắt ngọn lại, cứ hai phần đặt chéo thành thình chữ thập xuống đất, đè hòn đá lên tại bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc xung quanh nhà để “chắn gió”. Để chuẩn bị cho ngày kiêng này bà con làm bánh hoặc đồ xôi nếp, lấy một ít dính vào bốn góc tường nhà để cúng “ma gió”. Ngày hôm đó mọi người nhắc nhau không được gây tiếng động và chỉ nghỉ ăn chơi. Đến ngày mồng một và ngày mồng hai tháng 2 là hai ngày kiêng chim chuột, để con chim con chuột không phá hoại mùa màng. Người Dao Khâu đồ xôi nếp ba màu trắng, tím, vàng để ăn. Và lấy một ít xôi nếp dính vào hai khung cửa ra vào để trừ chim chuột. Ngoài ra còn có một số ngày kiêng kỵ như: Ngày kiêng lũ lụt, không làm lễ gì, chỉ nghỉ việc đồng áng, làm việc nhà, không gây tiếng động, không được tắm trong nước khe suối; ngày kiêng sâu bọ, để sâu bọ không phá hoại mùa màng… Ông Chẻo Lao U ở khu 5 thị trấn Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cho biết thêm: "Người Dao Khâu chúng tôi một năm có mấy ngày kiêng kỵ. Trong đó có những ngày kiêng kỵ không thể bỏ qua đó là ngày thanh minh, là ngày tảo mộ. Mọi nhà làm lễ cúng thanh minh trong nhà, sau đó cắt xúc xích làm bằng giấy theo mẫu truyền thống, mang theo dao, cuốc, xẻng đi đến từng cái mộ của tổ tiên, phát quang, sửa sang lại mộ, thắp hương đốt tiền âm phủ, khấn mời hồn ma của mộ đó ra nhận tiền. Cắm que xích xích lên trên mộ. Đây là dịp để nhắc nhở con cháu không được quên cội nguồn của dân tộc mình”. Xúc xích làm bằng giấy trong ngày tảo mộ Tết thanh minh Còn với người Dao Tuyển ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thì ngày kiêng trong năm bắt đầu từ ngày mồng một đến mồng ba Tết. Trong những ngày này thì kiêng kỵ cũng khác nhau. Ngày mồng một Tết người ta kỵ đầu năm không đi đâu. Ngày mồng hai có thể đi được nhưng phải chọn gìơ đẹp. Ngày mồng ba tuyệt đối không được đi đâu, bởi theo quan niệm của đồng bào ngày này các thần linh sẽ đi du xuân nếu mình đi gặp phải sẽ không được may mắn, cả năm sẽ ốm đau. Ngày mồng 5 đến mồng 6 tháng Giêng là ngày kiêng con rồng, bà con không được hò hát, và tuyệt đối không được động thổ, không cày, cuốc, xới đất gây thiên tai hại mùa màng. Và đặc biệt trong những ngày kiêng kỵ thì khi người đàn ông Dao Tuyển đã làm lễ Tủ Cải - Cấp Sắc sẽ không được sinh hoạt vợ chồng. Gia đình người Dao Tuyển Lai Châu quây quần trong ngày kiêng kỵ 1 Tết Trong các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn miền núi, người Dao là một trong những dân tộc dân tộc có một kho tàng tri thức về y học phong phú, đa dạng. Nghề thuốc được coi là một nghề đặc trưng, mang nhiều giá trị tri thức bản địa người Dao. Bà con rất chú trọng vào việc chuẩn bị đủ các vị thuốc cho từng loại bệnh do vậy ngày mồng 5 tháng 5 là ngày thuốc nam. Bà con cho rằng ngày đó, cây thuốc có đủ chất nhất, hái thuốc nam vào ngày đó là tốt nhất. Những người biết thuốc nam phải nhân ngày đó đi tìm hái thuốc trong rừng, mang về chế biến để dùng dần. Riêng cây ngải cứu, người ta đi tìm ở nơi con súc vật không đến được, cắt mang về phơi khô, đập dập lấy sơ để giành, khi cần thiết sẽ dùng để chữa bệnh. Ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch là ngày tẩy mốc. Ngày hôm đó nếu trời nắng thì mọi nhà đều mang quần áo, chăn màn ra phơi để tẩy trùng, nấm mốc. Ngày 14 tháng 7 là dịp tết giữa năm. Từ ngày 13 nhà nào có lợn thì mổ lợn, không có lợn thì mổ gà để cúng giỗ tổ tiên và các thần thánh, gói bánh chưng như tết Nguyên Đán, đưa lên bàn thờ bốn chiếc, tượng trưng cho bốn mùa. Tết này người ta nghỉ 3 ngày, từ ngày 13 cho đến hết ngày 15 tháng 7 thì hóa vàng kết thúc Tết. Ông Chẻo Cáo Sung người Dao Đỏ ở bản Căn Câu, xã Sùng Pài, thành phố Lai Châu chia sẻ ngày kiêng kỵ lập thu của nghành Dao mình: “Ngày lập thu là thời điểm các loại hoa màu đang chín hoặc đang nở hoa kết quả, “ma” đến ruộng nương của người để thăm hỏi và đòi tiền tiêu. Vì Vậy trước ngày lập thu một ngày, người ta phải cắt giấy làm tiền âm phủ, đóng dấu đồng xu nổi, làm thành từng sâu,mỗi sâu 4 tờ, đem treo trên một cây que cắm xuống các bờ ruộng, nương. Trong ngày lập thu, tuyệt đối không ai được đi thăm ruộng nương, đề phòng “ma” xấu hổ không dám lấy tiền của người cho, “ma” tức giận sẽ làm hại mùa màng”. Ông Chẻo Cáo Sung ở xã Sùng Pài, thành phố Lai Châu chuẩn bị giấy dó cho ngày lập thu của dân tộc mình Người Dao Lai Châu ăn tết theo Tết cổ truyền Việt Nam. Thời gian từ mồng một tháng Giêng đến hết ngày mồng năm tháng Giêng. Đến hết ngày mồng năm thì mới được hóa vàng (thúi chuống), hạ hết các lễ vật thờ xuống, để bàn thờ trở lại bình thường và tiễn các thần linh, tổ tiên về chốn âm. Có thể nói, người Dao Lai Châu có khá nhiều tục kiêng kỵ rất riêng. Nhưng những tục kiêng kỵ có ý nghĩa tốt đẹp mới được đồng bào duy trì thường xuyên để nhắc nhở con người ứng xử hòa nhã với nhau, cầu mong con người có sức khỏe, mùa màng bội thu./. Chẻo Thu/VOV Tây Bắc