Nghề làm gốm của đồng bào Chăm
Nghề làm gốm của người Chăm là di sản quý giá và đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ ở vùng Đông Nam Á, tuy nhiên đến nay gốm Chăm chỉ còn tồn tại ở làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) và làng gốm Bình Đức (Bình Thuận). Sản phẩm gốm Chăm là sản phẩm độc đáo mang nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa riêng, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo mang tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm. Gốm cổ của đồng bào Chăm Theo nghệ nhân Đặng Văn Sơn (Bình Thuận), nghề gốm ở thôn Bình Đức (Bình Thuận) có từ rất lâu, được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời. Quy trình làm gốm truyền thống của người Chăm bao gồm nhiều khâu công việc, nhiều công đoạn kết nối với nhau. Đầu tiên là việc chọn đất và lấy đất, loại đất sét được sử dụng làm gốm phải có màu vàng nhạt, có độ dẻo và độ mịn vừa phải, không bị lẫn. Việc xử lý đất trước khi làm gốm quyết định đến chất lượng và hiệu suất sản phẩm sau khi nung. Nghệ nhân làm gốm Đặng Văn Sơn Thợ làm gốm ở đây tạo hình sản phẩm gốm không dùng bàn xoay, chỉ sử dụng những công cụ giản đơn theo phương pháp thủ công truyền thống. Dụng cụ tạo hình sản phẩm gốm khá đơn giản: một chiếc bàn kê và một miếng vải thô nhỏ. Sản phẩm gốm ướt được để khô tự nhiên ở nơi có bóng mát, ngoại trừ sản phẩm là các loại hỏa lò có thể phơi hoặc để ở nơi có nắng và gió to sau đó được nung lộ thiên. Mô hình tháp Nhạn được làm bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân người Chăm Thời gian để nung chín toàn bộ sản phẩm gốm nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lượng gốm nhiều hay ít. Người thợ phải xác định hướng gió để có cách sắp xếp gốm, củi một cách hợp lý. Hướng đốt luôn theo nguyên tắc ngược chính diện với chiều gió. Gốm và củi sắp xếp thành hàng ngang vuông góc với hướng gió thổi để gốm chín đều và tỉ lệ nổ, vỡ thấp. Gốm được xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, từ dày đến mỏng. Nhiên liệu chính sử dụng để nung gốm từ trước tới nay là củi và rơm, củi làm chất đốt chính, rơm thấm nước để phủ kín lớp gốm trên cùng nhằm giữ nhiệt không cho hơi nóng thoát ra ngoài để gốm chín đều và nhanh hơn. Địa điểm nung gốm phải gần nguồn nước để tưới ướt rơm phủ trên sản phẩm gốm nhằm giữ nhiệt khi nung; làm giảm nhiệt cơ thể những người tham gia nung gốm, đặc biệt là những người trực tiếp đứng đốt và đưa sản phẩm gốm đã nung chín ra ngoài. Sản phẩm gốm của người Chăm rất tiện trong sử dụng, trang trí, với nhiều kích thước khác nhau khá đa dạng, từ những bức phù điêu hình người phụ nữ Chăm, tháp Chăm cho đến các vật dụng hằng ngày như nồi đất, bình hoa, đĩa. Để làm ra được một sản phẩm gốm luôn đòi hỏi phải cầu kỳ, tỉ mỉ từng hoạ tiết tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại vẫn còn thấp vì giá thành rẻ. Những vật dùng thường ngày của đồng bào Chăm Vậy làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy được nghề làm gốm truyền thống của người Chăm, phục vụ cho đời sống cũng như xuất khẩu hay trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan các tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống, tăng thu nhập cho người làm gốm thủ công? Đó là câu trả lời mà các tỉnh có đồng bào Chăm cần quan tâm hơn nữa và có sự đầu tư, quy hoạch làng nghề truyền thống một cách hợp lý. Vũ Khuyên/Vietnam Journey