Ngao du vùng nước non Cao Bằng
Cao Bằng có rất nhiều phong cảnh đẹp để bạn có thể khám phá, nhưng trong hành trình lần này của mình, tôi quyết định đến với huyện Trùng Khánh bởi đây là một trong những huyện tập trung nhiều danh lam thắng cảnh bậc nhất của tỉnh Cao Bằng. Thác Bản Giốc – bản giao hưởng của núi và nước Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm ở biên giới các quốc gia. Thác Bản Giốc cao hàng chục mét với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi, tạo thành một màn bụi nước trắng xóa. Dưới chân thác là mặt sông Quây Sơn phẳng lặng như gương, nước trong xanh soi bóng núi mây trời. Hai bên bờ là ruộng đồng xanh tốt của người Tày, Nùng sinh sống lâu đời ở xóm Bản Giốc. Nước thác cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa, ngỡ như làn mây trời đang lũ lượt kéo về khi mưa đến. Đặc biệt, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp khung cảnh lấp lánh của cầu vồng vào những ngày mùa thu nắng đẹp. Giữa bốn bề núi non hùng vĩ, thác Bản Giốc hiện ra sừng sững, đẹp như miền cổ tích khiến tôi không khỏi choáng ngợp Khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ mà vô cùng thơ mộng, thác Bản Giốc tựa như dải lụa trắng mềm mại nổi bật trên nền xanh của núi rừng miền biên giới Độc đáo làng đá Khuổi Ky Mảnh đất Cao Bằng có rất nhiều dân tộc anh em sinh sống và mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa truyền thống rất đặc sắc. “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh; Sống trong thung không chê thung nghèo đói” - theo những câu thơ của Y Phương, tôi đến thăm ngôi làng đá của người Tày ở Cao Bằng. Đó là làng Khuổi Ky, một làng Tày cổ có từ thời nhà Mạc ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Nếu tính từ thời gian chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà phải mất từ 2 - 3 năm Tâm hồn của đá, tâm hồn của người Tày chịu thương, chịu khó đã tạo nên hồn cốt của làng Khuổi Kỵ. Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao, vẫn bền bỉ, kiên định, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác vùng biên viễn. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, vẻ đẹp của những sắc màu tự nhiên và cuộc sống sinh hoạt hòa quyện vào nhau, tạo nên những màu sắc và hình khối đẹp đến khó tả. Việc chọn đá cũng mang ý nghĩa tâm linh sâu xa bởi họ cho rằng những viên đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, trải qua điều kiện địa chất phức tạp và lâu dài, hấp thụ tinh hoa của đất trời nên mang trong mình nguồn năng lượng và linh khí rất cao Hạt dẻ - món quà mùa thu Hiện nay ở Trùng Khánh có 4 xã trồng dẻ tập trung là Khâm Thành, Chí Viễn, Đình Minh và Phong Châu. Nếu có dịp tới đây vào những ngày cuối thu, bạn sẽ được tản bộ dưới những tán cây dẻ đung đưa theo làn gió, trải thảm dưới chân là hạt dẻ chín rụng vơi đầy. Quả dẻ nhiều gai xù xì như quả chôm chôm, mỗi quả chứa từ 3 đến 4 hạt. Thông thường, hạt dẻ hình tròn đều nhưng thỉnh thoảng cũng có hạt hình thù dị dạng. Cứ vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch, hạt dẻ ở Trùng Khánh bắt đầu chín và đuợc thu hoạch bán ra thị trường. Đặc điểm nổi bật của hạt dẻ Trùng Khánh là khá to, hạt nhỏ nhất cũng bằng ngón chân cái, nhìn bên ngoài phía cuống hạt có nhiều lông tơ trắng Khách du lịch đến Cao Bằng thường tìm mua cho bằng được loại hạt dẻ Trùng Khánh theo mùa để làm quà. Với giá bán chỉ mấy chục ngàn đồng một kilogram. Đây thật sự là món quà đáng giá cho những người miền xuôi đam mê đặc sản núi rừng. Ăn hạt dẻ không giống như ăn ngô, ăn lạc mà từ tốn, khoan thai. Nhẹ nhàng cắn tách lớp vỏ bên ngoài lấy phần thịt hạt màu vàng nâu đưa vào miệng, chậm rãi nhai đều để cảm nhận vị ngọt bùi tan dần nơi cuống họng. Cũng giống như người Hà Nội ăn cốm biết thu về, người Trùng Khánh, Cao Bằng ăn dẻ thưởng thức thu - quê. Thế Đạt/tapchicongthuong.vn