Từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Khách quốc tế dự kiến không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch mà chỉ cần đáp ứng quy định về tiêm vaccine Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong 24 giờ đối với xét nghiệm nhanh; 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR).
TS Vũ An Dân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội, cho rằng chủ trương nêu trên là hợp lý, nằm trong chiến lược tổng thể thích ứng an toàn với Covid-19. "Mở cửa du lịch là tất yếu, nhưng mở thế nào cho an toàn, bền vững, tăng trải nghiệm của du khách là điều rất quan trọng", ông Dân nói.
TS Vũ An Dân. Ảnh: Viện Đại học Mở Hà Nội
Ông đề xuất, trong giai đoạn đầu, Việt Nam nên thận trọng, đón khách từ quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, ca nhiễm thấp. Các điểm đến nên xem xét sức chứa để giới hạn số lượng du khách nhất định, hướng đến phát triển loại hình du lịch bền vững, trách nhiệm. Trước đại dịch Covid-19, số lượng khách đến Việt Nam tăng trưởng nóng, nên nhiều địa phương chưa tính đến việc điểm đến bị quá tải. Mặt khác, sau hai năm dịch bệnh, du khách sẽ quan tâm đến chất lượng du lịch hơn. Việc phục hồi lại du lịch để bù đắp hai năm đóng băng là cần thiết, nhưng "không nên tham lam chạy theo số lượng".
Theo ông Dân, nhà chức trách và các doanh nghiệp cần tính đến phương án chia sẻ rủi ro với khách trong trường hợp họ đã đặt vé, đặt phòng, nhưng bị nhiễm Covid-19, không thể khởi hành. Tức là cần có chính sách hoàn, hủy dịch vụ cho du khách với lý do bất khả kháng vì dịch bệnh. Đây cũng là cách để nâng tầm du lịch Việt Nam với du khách quốc tế.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Nghiên cứu Phát triển Du lịch, lưu ý "cần có lộ trình mở cửa thận trọng và chiến lược rõ ràng". Bất cứ hoạt động nào diễn ra trong thời kỳ Covid-19 thì yếu tố an toàn là quan trọng nhất, du lịch không ngoại lệ. Du khách có xu hướng cân nhắc nơi có dịch vụ y tế tốt, nguy cơ lây nhiễm thấp làm điểm đến. Vì vậy, mở lại hoạt động du lịch cần có phương án cụ thể đối với từng diễn biến dịch bệnh. "Nếu có lây nhiễm từ cộng đồng địa phương đến khách du lịch thì xử lý thế nào? Câu chuyện này chắc chắn xảy ra khi mở cửa du lịch", ông Lương dự đoán.
Ngoài ra, ngành du lịch nên chú trọng du lịch nội địa, sau đó chuyển dần sang khách nước ngoài. "Đây là thời điểm phù hợp để thúc đẩy du lịch nội địa còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết", ông Lương nói.
Khi mở cửa lại, ngành du lịch cần sớm khuyến cáo, hướng dẫn đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực để họ nâng cấp hoặc làm mới sản phẩm, dịch vụ du lịch cho phù hợp với thị hiếu, bối cảnh dưới tác động của dịch bệnh. "Sản phẩm mang tính văn hóa cũng ít được quan tâm hơn trước, du khách thích sản phẩm du lịch tự nhiên, riêng tư, cách biệt nhiều hơn. Nguy cơ lây nhiễm càng thấp, dịch vụ y tế, sức khỏe tốt thì càng điểm đến càng hấp dẫn", ông nêu quan điểm.
Khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, tháng 11/2021. Ảnh: Duy Hậu
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đề xuất cần quan tâm đầu tư cho công tác quảng bá và truyền thông. Thời gian qua nhiều khách nước ngoài hỏi ông về kế hoạch mở cửa du lịch của Việt Nam, vì không cách biết tra cứu thông tin chính thức như thủ tục nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm vaccine, cách ly, di chuyển. Vì vậy, Việt Nam nên sớm có kênh chính thức để công bố kế hoạch mở cửa, giúp du khách, các doanh nghiệp quốc tế tiếp cận dễ dàng. Đồng thời, nhà chức trách và doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch truyền thông ra nước ngoài bài bản, cụ thể.
"Du khách nước ngoài đang thiếu thông tin về các quy định khi đến Việt Nam", ông Chính nói và cho rằng nên tổ chức họp báo quốc tế để công bố lộ trình mở cửa du lịch.
Công tác quảng bá, nắm bắt tâm lý du khách ở thời điểm này đóng vai trò quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Nhà chức trách và doanh nghiệp đều cần tìm hiểu nhu cầu của thị trường. "Du khách đến Việt Nam sẽ đi theo nhóm gia đình, bạn bè hay theo công ty du lịch? Họ đến Việt Nam để tắm biển, vui chơi ở biển hay sẽ thích hoạt động khác? Chúng ta phải nắm bắt được tất cả những điều ấy thì mới có chiến lược quảng bá thu hút khách", ông Chính nói.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch. Ảnh: Ngân Dương
Vấn đề khác ông Chính lo ngại, là sau hai năm đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch đang thiếu. Nhiều nhân viên ngành du lịch đã phải chuyển nghề. "Làm sao để đào tạo người mới vào nghề du lịch bù đắp thiếu hụt nhân lực? Việc này khó làm trong thời gian ngắn. Những người còn bám trụ lại với nghề cũng cần học những cái mới, để đáp ứng nhu cầu thị trường", ông chia sẻ và nhấn mạnh ấn tượng của du khách trong lần đầu đến Việt Nam sau hai năm dịch bệnh rất quan trọng.
Về lâu dài, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tổng thể về phục hồi du lịch, để thấy rõ điểm yếu cần khắc phục, lợi thế cần phát huy.
"Mở cửa du lịch không có khái niệm mở toang hay mở hé mà cần nhất quán quan điểm mở toàn diện để khôi phục du lịch. Chính sách thu hút du khách cần cởi mở, thủ tục đơn giản, nhất là về visa, lưu trú. Vấn đề quan trọng nhất thời điểm này là Việt Nam đã đủ sức hút để khách đến hay chưa", ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, nêu quan điểm.
Vũ Tuân - Sơn Hà