Mùa cào ốc ruốc

Mùa cào ốc ruốc

Ngư dân cào ốc dọc biển Thanh Khê Ốc ruốc (hay còn được gọi là ốc lể, ốc ngũ sắc) thông thường sinh sản vào tháng bảy năm trước và trưởng thành từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch năm sau. Đây là loại ốc phổ biến ở các tỉnh ven biển miền trung, ốc nhỏ nhưng ngon thịt nên được rất nhiều người ưa chuộng. Có mặt tại biển Thanh Khê vào buổi sáng, nhiều ngư dân đang ngâm mình dưới nước để cào ốc. Theo chia sẻ của ngư dân, công việc thường bắt đầu tầm năm giờ sáng, đây là lúc thủy triều xuống nên sẽ cào ốc dễ dàng hơn. Dụng cụ cào ốc rất đơn giản, chỉ cần một cây sào bằng tre hoặc bằng gỗ, phía dưới có gắn lưỡi cào bằng sắt và tấm lưới, cùng chiếc thùng nhựa, bao lưới hay bao bố để đựng ốc. Loại ốc này thường ở cách bờ khoảng chừng 50 đến 100 m, khi khai thác thì người cào đứng ngược chiều sóng, dùng cây sào rà sát dưới đáy để cho ốc vướng vào, khi thấy sào nặng tay thì vớt lên, rũ lưới cho cát ra ngoài hết là được. Với mỗi buổi cào ốc từ năm giờ sáng đến một giờ chiều, ngư dân có thể thu về được 70 đến 80 kg ốc. Công việc này cũng đòi hỏi phải có sức khỏe để chịu được cái lạnh của biển, và ngâm mình nhiều giờ dưới nước, chịu những đợt sóng lớn xô người bất chợt. Thu hoạch sau một buổi sáng của vợ chồng anh Lê Văn Đạt Nhiều năm nay, cứ đến mùa ốc, vợ chồng anh Lê Văn Đạt (32 tuổi) lại ra biển để thu hoạch “lộc”. Sáng nay, thủy triều xuống sớm, hai vợ chồng đã dậy từ ba giờ sáng để làm. Tranh thủ nghỉ giữa buổi, ăn vội đồ ăn sáng, anh Đạt chia sẻ: “Bình thường tôi đi biển, đến mùa ốc này lại ở nhà tranh thủ cào kiếm thêm thu nhập. Ốc thu hoạch sau khi rửa, phân loại xong sẽ được các thương lái thu mua luôn, nên cũng mang đến cho gia đình có đồng ra đồng vào”. Ốc gạo sau khi được cào sẽ đem ngâm nước cho sạch cát, sau đó phân ốc ra hai loại lớn, nhỏ. Loại lớn nhập ngay cho thương lái tại biển giá 15 nghìn đồng/lon, loại nhỏ nhập giá 10 nghìn đồng/lon. Với giá bán như vậy, một ngày làm việc của ngư dân có thể mang về từ vài trăm đến cả triệu đồng. Lựa ốc sau khi được cào lên Anh Nguyễn Văn Tâm (trú quận Thanh Khê) đang đãi ốc cách đó không xa cho biết, mình đi cào ốc chủ yếu để mang về ăn và chế biến thành món ăn để bán. Mỗi ngày, anh cào được khoảng 20 đến 30 kg ốc gạo. Ốc sau khi mang về sẽ được ngâm với nước biển trong bốn giờ cho sạch hẳn cát. Sau khi luộc chín, ốc sẽ được thêm kèm sả, rồi trộn với muối, ớt bột, bột ngọt; hoặc với mắm gừng, ớt bột, mắm, bột ngọt, dầu phi hành… để tạo hương vị thơm ngon. “Ốc sau khi chế biến được bán từ 20 đến 25 nghìn đồng/lon, mỗi ngày hai chợ chồng tôi cũng bán hết số lượng ốc thu hoạch được. Người đi cào ốc, người ở nhà chế biến bán cũng giúp chúng tôi có thêm thu nhập”, anh Tâm chia sẻ. Nhờ mùa ốc lể, không chỉ là món ăn dân dã được yêu thích của người miền trung, mà đây còn là một nghề mang đến cho nhiều gia đình ngư dân có được nguồn thu nhập. Đó là cái lộc đầu năm mà biển mang đến cho ngư dân sau những ngày Tết. Theo nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Đề nghị tạm dừng hoạt động đánh phết tại lễ hội phết Hiền Quan 2020
  • Kiệt tác nghệ thuật giữa núi rừng
  • Dục Thúy Sơn
  • Top 10 món ngon phải thử khi du lịch Đắk Lắk
  • Quần đảo Nam Du
  • Tà Chì Nhù, cung đường chinh phục nóc nhà Yên Bái
  • Sen miền Bắc đã tàn, hồ sen Ninh Bình vẫn nở rộ hút khách du lịch
  • Những điểm đến không nên bỏ lỡ khi đến Phú Yên
  • Đường hoa kèn hồng tuyệt đẹp ở Sóc Trăng đến mùa khoe sắc
  • Hòa mình với thiên nhiên tại 6 điểm du lịch sinh thái ở Sóc Trăng