Làng gốm cổ Bồ Bát - “Cái nôi” của làng nghề Bát Tràng
Làng gốm cổ Bồ Bát xưa, nay là làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, vốn là làng nghề nổi danh với nhiều sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo và tinh tế. Nơi đây có loại đất sét Bồ Di còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng, chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác. Theo sử sách ghi lại, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La đã mang theo 5 dòng họ lớn của Bồ Bát nhằm xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã định cư tại vùng đất ven sông Hồng, lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Từ đó, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống và nghề gốm ở đây đã bị thất truyền. Ngày nay, cùng với sự phát triển của du lịch Ninh Bình, nghề gốm cổ truyền thống làng Bồ Bát cũng trỗi dậy và phát triển. Sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa … đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật… Tất cả đều được chế tác tinh xảo, phủ màu men gan – loại men giả cổ, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, độ mịn cao. Bằng sự khéo léo và tình yêu quê hương, những người thợ của làng nghề đã thổi hồn cho các sản phẩm gốm sứ bằng những nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu mang nét chấm phá ấn tượng của non nước Ninh Bình. Ngoài các đặc sản và sản phẩm lưu niệm khác, sản phẩm gốm Bồ Bát gắn với các hình ảnh du lịch đặc trưng của mảnh đất Cố đô như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính… đã trở thành món quà của mỗi du khách khi về Ninh Bình. Hy vọng rằng, Bồ Bát sẽ có những bước phát triển xa hơn nữa, góp phần gìn giữ phần nào bản sắc của dân tộc nói chung và văn hóa con người Ninh Bình nói riêng./. Thúy An/petrotimes.vn