Lai Châu: Bộ nhạc cụ truyền thống của người Dao Khâu ở Sìn Hồ
Bộ nhạc cụ truyền thống của người Dao Khâu ở Sìn Hồ thường gồm: Kèn, trống, chiêng, thanh la, trong đó kèn là nhạc cụ chính. Người trong đội nhạc cụ của dòng họ gồm 4 người, phải là những người có khả năng cảm thụ nhạc, mỗi người đảm nhiệm một loại nhạc cụ. Trong bộ nhạc cụ của người Dao khâu, kèn là nhạc cụ khó học nhất. Để có tiếng kèn trong trẻo vang xa thì người thợ làm kèn phải tỉ mẩn và lựa thân kèn bằng gỗ nghiến hoặc gỗ lim, trên bé dưới to, có độ dài khoảng 30cm, bên trong đục rỗng, bên ngoài được chia làm bảy đốt, mỗi đốt dùi một lỗ tương ứng với các nốt nhạc (đồ, rê, mi, pha, son, la, si). Người thợ làm kèn sẽ cẩn thận bố trí nhạc có âm thanh cao nhất ở đằng sau. Trên đầu kèn có đặt một cái đĩa nhỏ làm bằng đồng, trên cùng là cái dăm kèn làm bằng tổ kén của một loài sâu bám trên cây ổi, người ta cắt về mài dũa đến độ mỏng thích hợp, thổi kêu thành tiếng, có độ dài 2,5-3cm. Dưới cùng là cái loa kèn bằng kim loại mỏng, thường là đồng thau. Bộ nhạc cụ của người Dao Khâu. Ảnh: VOV Tây Bắc Theo ông Tẩn A Sếnh ở bản Hoàng Hồ, xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, khi làm “phàn tị công- kèn đực” thì cái loa bé hơn, đường kính mép là 10cm. Nếu làm “phàn tị nhẫy- kèn cái” thì đường kính mép là 16cm. Tùy theo độ rỗng của thân kèn tạo nên tiếng trầm hay bổng. Khi trong bản có lễ cưới thì từ xa người ta có thể phân biệt được ngay là phàn tị công hay phàn thị nhẫy. Chiếc trống của người Dao Khâu có tang được làm từ gỗ “tạ cùng đéng”, một loại gỗ lúc còn tươi thì mềm, dễ đục đẽo, khi khô thì rất nhẹ. Đường kính ngoài của tang trống hai đầu 30cm, giữa 35cm. Chiều cao của trống từ 12-16cm, phù hợp với một tay xách của người. Mặt trống được bưng bằng da của con sơn dương. Ngày nay người ta có thể dùng da con dê hoặc da con lợn già, cũng có khi dùng da con bê non rồi căng lên miệng trống và được gắn với tang trống bằng 40 đến 50 cái nêm ở xung quanh rồi căng hai mặt trống. Người đánh dùng dùi làm bằng gỗ, đuôi dùi được buộc vải đỏ để trang trí. Chiêng của người Dao Khâu hay còn gọi là não bạt rất đặc biệt. Nhạc cụ này được gò bằng đồng thau nguyên chất, có đường dính 25-30cm, mặt phẳng, không có núm ở giữa như cồng chiêng của Tây Nguyên hay của người Mường. Quai xách bằng vải đỏ, có tua để thêm phần trang trí. Người chơi chiêng dùng dùi được làm bằng gỗ mềm để chơi loại nhạc cụ này. Điệu kèn đón dâu của người Dao Khâu. Ảnh: VOV Tây Bắc Bộ thanh la, tiếng Dao khâu gọi là “shào châyz”, là nhạc cụ nhỏ hơn nhiều so với chiêng. Thanh la gồm hai bộ phận giống nhau, phần lồi lên to gần bằng cái bát ăn cơm. Chính giữa có một cái lỗ nhỏ để sâu dây buộc màu đỏ xỏ vào cái lỗ thắt nút bên trong và bên ngoài để người chơi cầm đánh hai mặt phẳng của thanh la vào nhau tạo nên âm thanh. Khi các gia đình trong bản có việc cưới hay việc tang, đội nhạc sẽ được mời đến chơi những bài phù hợp với nghi lễ để động viên, chia vui hoặc chia buồn cùng gia chủ. Nếu người quá cố là thầy cúng đã được phong sắc bảy đèn trở lên thì trong lễ tang có dùng cả kèn. Bộ nhạc cụ còn được dùng trong lễ cấp sắc (quá tang), lễ cúng Bàn Vương (chấu đàng), lễ bái niên trong ngày tết hoặc lễ hội, đội nhạc sẽ chơi những bài nhạc nhằm thay lời nguyện ước, thành kính của dân làng đến các vị thần linh. Đối với người Dao Khâu ở Sìn Hồ, một lễ cưới có nổi kèn trống mang lại vinh dự tiếng thơm cho gia đình và niềm hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. Nhạc cụ được dùng trong đám tang, hay các nghi lễ khác nhau của bản cũng chứa đựng những ý nghĩa rất riêng. Chính vì thế, bộ nhạc cụ truyền thống được đồng bào gìn giữ như những báu vật của dòng họ, thôn, bản. PV/VOVTV