Khách du lịch TP.HCM phấn khích khi được quay lại Mũi Né

Khách du lịch TP.HCM phấn khích khi được quay lại Mũi Né

Gia đình ông Hoàng Việt đến từ TP.HCM trở lại Mũi Né sau một thời gian dài. Ảnh: Đoàn Sĩ Khách du lịch vui mừng Ông Hoàng Việt cùng 3 thành viên trong gia đình từ TP.HCM đến Mũi Né, Tp.Phan Thiết là 4 trong 40 du khách có mặt sáng 24/10 tại Pandanus Resort. Trước khi đến resort, qua mạng xã hội, ông đã cung cấp thông tin theo yêu cầu để hạn chế các thủ tục trực tiếp. Khi đến resort, gia đình ông được nhân viên ở đây test nhanh và nhận phòng. Ông Việt nhận xét, resort chuẩn bị rất kỹ để đón khách du lịch trở lại. Ông thấy khá yên tâm về việc phòng chống dịch COVID-19, và vui mừng khi được đến Bình Thuận du lịch. "Tôi nghĩ đây là điểm đến du lịch cho gia đình chúng tôi hằng năm, vì nó gần TP.HCM, cảnh biển ở đây rất là thích, trong tương lai có tuyến cao tốc nữa thì rút ngắn thời gian từ TP.HCM ra đây," ông Việt nói thêm. Bà Trương Thị Kim cũng đến từ TP.HCM cho biết, từ tháng 5/2021 tới giờ gia đình bà chưa được đi du lịch ở đâu. Trước đây không có dịch bệnh, gia đình hay ra Mũi Né hàng tháng. Việc mở lại du lịch khiến gia đình bà rất vui và gia đình bà cũng đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 và thực hiện đúng quy định 5K. Du khách đến Bình Thuận phải thực hiện test nhanh ngay tại cơ sở lưu trú. Ảnh: Đoàn Sĩ Trong đợt mở cửa thí điểm này, Bình Thuận có 3 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón khách là Anantara Mũi Né, Centara Mirage Mũi Né và Pandanus Resort với lượng khách đón khoảng 120 người đến từ TP.HCM. Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng hoa, quà lưu niệm và gửi lời tri ân đến khách du lịch đầu tiên trở lại Bình Thuận. Ảnh: Đoàn Sĩ Ngành du lịch vượt khó Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp du lịch hiện nay là tài chính và nguồn lao động. Ông Khoa cho biết, khi chưa có dịch, ngành du lịch Bình Thuận có khoảng 20.000 lao động trực tiếp và 30.000 lao động gián tiếp. Trong đợt dịch vừa qua, một số lượng lớn lao động chuyển nghề hoặc chuyển đi nơi khác. Dù doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ nhưng không đáng kể nên khó giữ chân lao động. Ông Nguyễn Văn Khoa (đang phát biểu), Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận. Ảnh: Đoàn Sĩ "Sự biến động và sự thiếu hụt lao động trong sắp tới cũng là một vấn đề lớn. Chúng tôi nghĩ với lòng yêu nghề, sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch với người lao động trong ngành du lịch chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ thu hút và kêu gọi đội ngũ quay trở lại. Bước đầu mở cửa như thế này, khoảng 50% lao động thì tôi nghĩ chúng ta cũng đủ để đón khách," ông Khoa nhận định. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cũng mong muốn được tỉnh quan tâm cho lao động ngành du lịch sớm tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, xem xét giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch…để các doanh nghiệp có thể sớm phục hồi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp. "Nhưng chúng tôi cũng tha thiết yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trước tiên cần chấp hành tất cả các quy định. Bản thân mình tốt tỉnh mới yên tâm," ông Minh kêu gọi. Ông Nguyễn Minh (đang phát biểu), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đoàn Sĩ Hiện, ngành du lịch Bình Thuận đang đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và tập trung triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Trong đó, du lịch an toàn phòng chống dịch là mục tiêu đầu tiên trong xây dựng điểm đến Bình Thuận “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”./. Đoàn Sĩ/VOV TP.HCM

Có thể bạn quan tâm:

  • Cơm lam: Từ món ăn qua bữa đến thức đặc sản
  • Để Lễ hội Gội đầu trở thành sản phẩm du lịch độc đáo
  • Mê mệt sò huyết đầm Ô Loan
  • VQG Phong Nha - Kẻ Bàng
  • Danh sách các nạn nhân tử vong trong vụ sập công trình tại Đồng Nai
  • Thái Nguyên mở tuyến xe buýt kết nối các di tích lịch sử, văn hoá
  • Hà Tĩnh: Tiếp nhận quả chuông cổ quý hiếm từ thời nhà Trần
  • Pù Luông
  • Hội An trình diễn pháo hoa, tổ chức dạ hội chào năm mới 2020
  • Tái hiện Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo (Hà Giang)