Hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL
Các đại biểu tham dự đã đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ từ thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025. Thảo luận các giải pháp để liên kết hợp tác phát triển du lịch và kế hoạch hành động năm 2021. Trong khuôn khổ của Hội nghị còn giới thiệu các chính sách hỗ trợ, kích cầu liên kết phát triển du lịch và các sản phẩm du lịch mới. Trong 6 tháng cuối năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL triển khai các nội dung đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa đến 13 tỉnh, thành vùng với 3 chương trình du lịch như: Những nẻo đường phù sa; Sắc màu vùng biên; Non nước hữu tình đã được triển khai. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung để quảng bá giới thiệu du lịch và giá trị bản sắc thương hiệu là "An toàn - Thân thiện - Ngọt ngào - Mến Khách - Văn Minh - Sắc màu - Sống động". Làng hoa Sa Đéc Đồng Tháp cũng là điểm đến của nhiều du khách Chỉnh trang, nâng cấp khu du lịch để thu hút du khách Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và với TP Hồ Chí Minh nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch một cách chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả. "Thành công chung của các tỉnh ĐBSCL và đặc biệt là cụm liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ĐBSCL cũng chính là thành công của tỉnh Đồng Tháp. Hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp, đồng hành của các tỉnh, thành trong khu vực cụm liên kết, giúp cho du lịch Đồng Tháp tiếp tục gặt hái được những kết quả tốt, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà cụm liên kết đã đề ra" - ông Đoàn Tấn Bửu cho biết. Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, để du lịch TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL phát triển cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, tạo ra những sản phẩm chất lượng, cần rà soát các sản phẩm du lịch hiện có để nâng cao chất lượng hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực để có đội ngũ làm du lịch có năng lực, chất lượng phục vụ cho phát triển trong thời gian tới. Phạm Hải / VOV ĐBSCL