Hồi ức mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc vào giải phóng Sài Gòn

Hồi ức mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc vào giải phóng Sài Gòn

Tượng đài Long Khánh - Biểu tượng về sự hi sinh anh dũng của quân và dân cho thắng lợi 30/4/1975 “Ta đánh liên tục để tạo áp lực” Một buổi chiều tháng 4/2020, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với hai vị tướng là Trung tướng Nguyễn Văn Thái và Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh để tìm hiểu về trận đánh Xuân Lộc năm xưa. 2 vị tướng này 45 năm trước đã tham gia chiến đấu giải phóng Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai). Trận đánh này là một mốc quan trọng của quá trình tiến tới đại thắng ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bởi vì Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn. Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, là chỉ huy của một trong 3 sư đoàn tham gia tiến công vào Xuân Lộc tháng 4/1975. Năm nay ông đã ở tuổi ngoài 90 nhưng vẫn nhớ rất rõ về trận chiến 12 ngày đêm năm xưa. Ông kể: "Sau khi ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, tham mưu trưởng của lục quân Mỹ là tướng Weyand đã đi thị sát chiến trường. Trước khi kết thúc về Mỹ, Weyand đã nhắc với Thiệu (Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu), có thể nói là những lời cảnh cáo, tình hình này là phải xây dựng phòng tuyến từ Xuân Lộc đến Tây Ninh để bảo vệ cho Sài Gòn, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Thiệu phải tìm mọi nỗ lực để xây dựng tuyến phòng thủ này". Trung tướng Nguyễn Văn Thái đã ở tuổi ngoài 90 nhưng vẫn nhớ rất rõ về trận chiến Xuân Lộc 12 ngày đêm 45 năm trước Lời cảnh báo của tướng Mỹ đã khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tăng cường các lực lượng tinh nhuệ nhất còn lại của quân lực Việt Nam Cộng hòa cho Xuân Lộc, hòng cản bước tiến của quân ta. Lúc đó tại Xuân Lộc, đơn vị chủ yếu của địch chính là sư đoàn 18 do chuẩn tướng Lê Minh Đảo làm sư trưởng. Với vị trí nằm trên Quốc Lộ 1 từ Bắc vào Nam, ngã ba đi Tây Nguyên và Bà Rịa Vũng Tàu, phòng tuyến Xuân Lộc trở thành điểm trọng yếu để bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Trung tướng Nguyễn Văn Thái cho biết, Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 đã có 10 năm tác chiến tại vùng Đông Nam Bộ trước đó, đã có kinh nghiệm trận mạc nhưng với ông trận Xuân Lộc vẫn là trận đấu khó khăn, ác liệt nhất ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn. Ngày 2/4/1975, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ đi đánh Xuân Lộc gồm có 3 sư đoàn, trong đó, Sư đoàn 7 trở thành chủ công, Sư đoàn 341 từ miền Bắc vào chi viện và Sư đoàn 6 của Quân khu 7. "Phải tiêu diệt cho được Xuân Lộc, khi nhận đựơc lệnh này toàn Quân đoàn (Quân đoàn 4 của ta) rất phấn khởi vì vừa mới giải phóng Phước Long. Địch đang hoang mang, tan rã từng mảng lớn, thua Tây Nguyên, thua Huế - Đà Nẵng rồi, coi như đó là thời cơ. Ngược lại với vị trí trọng yếu như thế thì địch tăng cường phòng thủ, tăng cường lực lượng, tập trung vào Xuân Lộc". Đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 của ta sử dụng Sư đoàn 7 đánh trực diện vào Xuân Lộc. Tuy nhiên do điều kiện địa hình và sự kháng cự quyết liệt của địch đã khiến cho các nỗ lực tấn công của ta không thành. Người cùng tham gia tác chiến trong trận Xuân Lộc ngày đó, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, kể lại rằng: "Đêm mùng 10, rạng sáng ngày 11 chúng tôi Trung đoàn 141 tấn công vào nhưng không vào được, thế còn hướng của Sư đoàn 341 mới đánh ở bên ngoài, nó phòng thủ rất chắc, dùng quân dù đánh vào sau lưng, do chuẩn bị gấp nên lúc đó ta đánh chưa thành, chính vì thế ta giằng co đến ngày 11". Thay đổi chiến thuật, đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc Trước phòng tuyến dày đặc và vững chắc của quân Việt Nam Cộng hòa, Bộ chỉ huy miền của ta đã chỉ đạo Quân đoàn 4 thay đổi cách đánh, chuyển từ tấn công trực diện vào Xuân Lộc sang bao vây, cô lập và tiêu hao dần sinh lực địch. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 bồi hồi nhớ về những ngày tháng 4/1975 Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh: "Chuyển cách đánh, dùng lực lượng đã đánh chiếm được giữ nguyên tại chỗ, còn đưa một lực lượng ra bên ngoài đánh quân dù và thiết giáp, đồng thời Sư 7 đưa trung đoàn tôi (Trung đoàn 141) xuống và cắt ngã ba Tân Phong đi Bà Rịa và Sư đoàn 6 cắt ngã ba Dầu Giây để cái lực lượng từ Biên Hòa không ra phản kích vào sườn ta được. Từ ngày 12, 13 tháng 4 thì ta tiêu diệt được bộ phận cơ bản lực lượng địch". Từ thế khó khăn và bị động ta chuyển sang thế “tiến từng bước một”, bao vây làm hao mòn dần lực lượng địch. Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể lại: Ngày 14 đến ngày 15/4/1975, ta tiêu diệt được đơn vị bộ binh của địch, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục bao vây. Dần dần lực lượng của ta áp sát, cắt đứt tiếp tế Xuân Lộc. "Đêm 20, rạng sáng ngày 21, lợi dụng trời mưa to thì nó (địch) tổ chức rút, ta phát hiện được nó rút quân nên huy động mọi lực lượng để truy bắt, trung đoàn 141 Sư đoàn 7 của chúng tôi chỉ bắt được cái đuôi thôi, còn tất cả chạy thoát xuống Bà Rịa Vũng Tàu, sau này lập Sư đoàn 18 thu quân về phía Long Bình (Đồng Nai), nó tăng cường lượng pháo lớn vào Xuân Lộc trong những ngày ta bao vây áp sát, gây thương vong cho ta. Trước tình cảnh bối rối như thế, ta lại khống chế sân bay Biên Hòa, không cho Biên Hòa tiếp tế Xuân Lộc, thành thử ra nó cũng bí, buộc phải rút khỏi Xuân Lộc". Bản đồ Diễn biến chiến đấu tiến công của Quân đoàn 4 tham gia giải phóng Xuân Lộc năm 1975 Sau một tuần bị lực lượng ta liên tiếp bao vây, tấn công vòng ngoài, thì Lê Minh Đảo, Sư trưởng Sư đoàn 18 Việt Nam Cộng hòa, người đã có những tuyên bố hùng hồn trước đó như: “Muốn chiếm được Xuân Lộc thì phải bước qua xác của Đảo” hay “Việt cộng có thêm mấy sư đoàn nữa cũng không tiến vào được”, lại là người xin Quân đoàn 3 của chúng bí mật bỏ Xuân Lộc. Đến trưa ngày 21/4/1975, sau 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân và dân ta đã mở được “cánh cửa thép” Xuân Lộc của quân địch ở phía Đông Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Long Khánh. Chiến thắng này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi nó đã tạo thế, tạo địa bàn không chỉ cho Quân đoàn 4 mà còn Quân đoàn 2 từ phía Bắc tiến vào, có chỗ đứng chân, làm bàn đạp để Trung ương, Bộ Chỉ huy miền tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 27/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, tượng đài Giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh vẫn hướng về phía Tây, hướng về thành phố mang tên Bác như mãi nhắc nhở cho chúng ta về tinh thần quả cảm, bất chấp mọi gian khó để thực hiện khát vọng thống nhất nước nhà./. Thúy Mai/VOV TPHCM

Có thể bạn quan tâm:

  • Thương hiệu chả cá Lý Sơn nức tiếng nhờ cá tươi, tỏi đặc sản
  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại “Festival vì hòa bình” ở Quảng Trị
  • Huế
  • Lễ hội đền Mẫu Trịnh Tường sẽ diễn ra vào 9 - 10/4
  • Vịt Sài Gòn có mấy món và ngon thế nào mà người dân lại 'sủng ái' đến vậy?
  • Mê hồn với Mùa vàng Tam Cốc từ đỉnh "Vạn lý trường thành Việt Nam"
  • Sắc vàng đem không khí Tết ở làng hoa Sa Đéc
  • Phát hiện đàn chim cổ rắn quý hiếm tại Đồng Nai
  • Về miền Tây xem tát đìa bắt cua, bắt cá kỳ thú sảng khoái trần đời
  • Thành phố Buôn Ma Thuột mở lại dịch vụ ăn uống từ 6/1