Hấp dẫn du lịch cộng đồng Homestay ở vùng cao Lâm Bình
Xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình hiện có 6 hộ đang làm dịch vụ du lịch cộng đồng Homestay. Thượng Lâm được biết đến là nơi có vẻ đẹp non nước hữu tình. Từ bến thủy huyện Lâm Bình, du khách có thể đi khám phá vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rộng hơn 8.000 ha mặt nước bằng thuyền Kayak hoặc thuyền du lịch. Hồ thủy điện Tuyên Quang được ví như "Hạ Long trên cạn" giữa đại ngàn. Lòng hồ thủy điện có hàng chục “hòn đảo” lớn nhỏ, sở hữu nhiều đồi núi trùng điệp. Chủ nhà homestay chuẩn bị bữa ăn cho du khách Xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình hiện có 6 hộ đang làm dịch vụ du lịch cộng đồng Homestay. Thượng Lâm được biết đến là nơi có vẻ đẹp non nước hữu tình. Từ bến thủy huyện Lâm Bình, du khách có thể đi khám phá vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang rộng hơn 8.000 ha mặt nước bằng thuyền Kayak hoặc thuyền du lịch. Hồ thủy điện Tuyên Quang được ví như "Hạ Long trên cạn" giữa đại ngàn. Lòng hồ thủy điện có hàng chục “hòn đảo” lớn nhỏ, sở hữu nhiều đồi núi trùng điệp. Ðỉnh núi cao nhất là Pắc Tạ gắn liền với truyền thuyết của người dân địa phương khuất phục voi rừng bằng rượu, dùng voi để đánh tan giặc xâm lăng. Khi voi chết bên nậm rượu đã hóa đá, mỗi ngày một cao dần lên tạo nên ngọn Pắc Tạ ngày nay. Cùng với đó, là cảnh sông nước núi non hùng vĩ, điểm nhấn là núi Cọc Vài (tiếng Tày nghĩa là "cọc buộc trâu"); hay những thác nước quanh hồ đẹp mê hồn lòng người như: thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me… và thắng cảnh 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can (huyện Lâm Bình). Nhân viên Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm chuẩn bị bữa ăn cho du khách Đến thăm Homestay A Phủ của chị Đặng Vân Anh và anh Hỏa Đức Phủ (chị Đặng Vân Anh cùng với anh Hỏa Đức Phủ góp vốn xây dựng Homestay A Phủ), thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm. Chị Đặng Vân Anh cho biết: Homestay A Phủ hoạt động từ 30/4/2019, nhưng được du khách đánh giá rất cao, bởi sự phục vụ tận tình chu đáo. Khách đến đây được ở trong căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, 5 gian, 2 trái, rộng 90 m2; với giá ngủ lại qua đêm 70.000 đồng/người. Cùng với đó, tùy theo nhu cầu, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc, được tắm lá thuốc, đi khám phá hồ thủy điện… Cũng theo chị Vân Anh, để phục vụ nhu cầu du khách, chị còn mời thêm một số thành viên trong xã có năng khiếu hát then, hát cọi, đánh đàn tính lập thành Đội văn nghệ để cùng hát giao lưu với du khách. Homestay A Phủ đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho 6 nhân viên, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Để thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng Homestay, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Lâm đã định hướng cho nhân dân, đặc biệt là những hộ gia đình có khả năng làm du lịch cộng đồng và tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở và khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Xã vận động cộng đồng dân cư vệ sinh đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương lân cận tạo ra những tour, tuyến du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến với địa phương ngày càng đông hơn. Các món ăn phục vụ tại Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình phục vụ khách du lịch Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: Huyện có diện tích tự nhiên hơn 78.150 ha, với số dân hơn 30.000 người gồm 10 dân tộc sinh sống, trong đó người Tày chiếm số đông. Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, năm 2017, huyện Lâm Bình triển khai thực hiện đề án “Xây dựng và vận hành mô hình Du lịch cộng đồng”; Đề án nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Làng văn hóa dân tộc Tày các thôn Nà Đông và Nà Tông (xã Thượng Lâm); Nà Muông (xã Khuôn Hà) và Nặm Đíp (xã Lăng Can). Thực hiện đề án, huyện đã tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm, làm du lịch cộng đồng tại một số tỉnh bạn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; hoàn thành việc chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, thành lập các đội văn nghệ, tổ chức tập luyện các tiết mục để phục vụ khách du lịch; hoàn thành xây dựng bản đồ, tua, tuyến du lịch, tập huấn hướng dẫn viên du lịch, bổ sung dịch vụ du lịch như: chèo thuyền kayak, xe đạp, xe máy, bè mảng, câu cá... để phục vụ du khách đến tham quan và trải nghiệm. Chuẩn bị phòng nghỉ cho khách du lịch Cũng theo ông Hiền, trong thời gian tới, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, huyện Lâm Bình gắn kết chặt chẽ với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống. Đồng thời, huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân gìn giữ không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc, giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc truyền thống... tại các điểm du lịch cộng đồng; kiên quyết không để các hộ xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, các công trình phụ... không đúng với bản sắc truyền thống, làm phá vỡ cảnh quan, môi trường xung quanh; tái hiện nghề dệt truyền thống; tập huấn để các hộ biết hướng dẫn cho khách các công đoạn nghề dệt; từng bước khôi phục nghề trồng bông, dệt vải, tạo sản phẩm từ bông nguyên bản bán cho du khách. Bên cạnh đó, huyện thành lập đội văn nghệ (mỗi thôn, bản từ 01 đến 02 đội), tổ chức tập luyện các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các trò chơi dân gian truyền thống; từng bước khôi phục nét văn hóa truyền thống như: tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống, cưới hỏi, ẩm thực…bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Năm 2019, huyện Lâm Bình phấn đấu đón trên 36.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 22 tỷ đồng./. Vũ Quang Đán/ TTXVN