Hành trình khám phá đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị

Hành trình khám phá đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị

Cổng chào Cồn Cỏ. Ảnh: Lưu Tuấn Anh Cồn Cỏ (còn gọi là Hòn Cỏ, Con Cọp, Hòn Mệ...) là một đảo nhỏ ở biển Đông, thuộc tỉnh Quảng Trị. Diện tích của đảo khoảng 2,3 km². Đảo Cồn Cỏ cách bờ biển Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị gần 30 km. Xưa kia đảo như một tiền đồn nằm giữa vĩ tuyến 17 trấn giữ phía Đông Tổ quốc. Hiện nay, đã có tàu cao tốc ra đảo. Tàu xuất phát từ Bắc cảng Cửa Việt vào 8h sáng các ngày thứ 3, 5 và 7 và trở lại 8h sáng các ngày thứ 2, 4, 6, Chủ Nhật hàng tuần nên rất tiện cho việc sắp xếp thời gian. Đoàn chúng tôi lên lịch ra thăm đảo vào ngày thứ 7 nên đặt vé tàu từ trước cho thuận lợi. Chúng tôi lên tàu từ cảng Cửa Việt, tàu rất rộng rãi, thoáng mát, ghế ngồi thoải mái, điều hòa mát lạnh, dự cảm trước cho đoàn chúng tôi một chuyến đi khám phá thật thú vị. Đúng 8h tàu kéo 2 hồi còi báo hiệu đến giờ rời bến, chúng tôi ai cũng hồi hộp nhổm người dậy khỏi ghế để được nhìn thấy cầu và cảng Cửa Việt dần xa sau những đợt bọt sóng của tàu. Sau 1 tiếng rưỡi, tàu cập bến đảo Cồn Cỏ. Chúng tôi đặt chân lên đảo với tâm thế thật hồ hởi. Sau ít phút nghỉ ngơi chúng tôi lên kế hoạch cho chuyến thăm quan, khám phá vòng quanh đảo. Đảo Cồn Cỏ có độ phủ rừng gần 70% kèm theo những bãi biển hoang sơ, nên không khí ở đây rất trong lành. Đầu tiên, chúng tôi  khám phá khu rừng nguyên sinh với những gốc bàng vuông cổ thụ người ôm không xuể; những cây phong ba kiên cường; cùng rất nhiều loại cây dược liệu khác... Buổi chiều, chúng tôi đi theo con đường nhựa xuyên rừng đến với trạm hải đăng nơi được xem là cao nhất để được nhìn bao quát quanh đảo. Chúng tôi xin phép các anh quản lý ở đây để được leo hơn 100 bậc cầu thang hình xoắn ốc lên đỉnh ngọn hải đăng và phóng tầm mắt ra xa. Hình ảnh đảo nhỏ như muốn thu hết vào tầm mắt, ở trên cao gió biển lùa vào tóc, vào da thịt mát lạnh, xua tan cái nóng của những ngày hè tháng 5. Một góc đảo nhìn từ ngọn hải đăng. Ảnh: Lưu Tuấn Anh Trời dần về chiều, với hi vọng kiếm được ít đặc sản của đảo nên chúng tôi thuê kính để đi lặn biển, vừa kiếm thực phẩm bổ sung cho bữa tiệc BBQ buổi tối, vừa được thỏa thích ngắm những rạn san hô trên đảo. Theo lịch sử đảo, Cồn Cỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa. Chính vì vậy, đá có màu đen tuyền rất đặc trưng. Nổi bật giữa màu đen của đá là làn nước trong xanh và mát lạnh. Ở Cồn Cỏ không có những bãi biển cát trắng, mà chỉ thấy những vùng nước lặng sâu tầm 1m đến 1,5m nằm xen kẽ giữa các tảng đá như những bể bơi thu nhỏ rất phù hợp và an toàn cho việc tắm biển. Bể bơi thu nhỏ xen giữa đá. Ảnh: Lưu Tuấn Anh Để phù hợp với hoạt động du lịch, những năm gần đây được sự quan tâm của tỉnh Quảng Trị nên đảo đã có những thay đổi tích cực. Điện trên đảo đã có cả ngày chứ không phải chỉ được thắp sáng vài tiếng vào buổi tối như ngày xưa; mạng điện thoại, 3G, 4G đã được phủ sóng quanh đảo. Có một điểm mà tôi tâm đắc nhất là 2 bên đường được đặt nhiều thùng đựng rác và người dân trên đảo rất có ý thức bảo vệ môi trường sống. Có 2 nhà vệ sinh công cộng được lắp đặt phục vụ du khách. Các cơ sở lưu trú trên đảo cũng đã được xây dựng và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Đoàn chúng tôi ra đảo với mục đích khám phá trải nghiệm nên chọn dựng lều trên bãi biển để được ngủ dưới bầu trời đầy sao, được hưởng những làn gió mát lành và thức dậy đón những ánh bình minh đầu tiên của ngày trên đảo. Đón bình minh trên bến Nghè. Ảnh: Minh Tiamo Ngày thứ hai trên đảo, trên đường ra âu tàu để chuẩn bị về đất liền, chúng tôi ghé thăm cột cờ - điểm đánh dấu mốc chủ quyền thiêng liêng của dải đất chữ S. Khi nhìn thấy lá cờ đỏ bay phấp phới trên cột cờ giữa màu xanh của trời, của cây, của biển lòng ai cũng dâng lên nỗi tự hào. Đảo tuy nhỏ nhưng là tấc đất thiêng liêng nằm đầu sóng, ngọn gió, nơi tiền tiêu canh giữ sự bình yên cho Tổ Quốc. Cột cờ đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Bùi Trọng Sau hai ngày khám phá đảo, đến giờ chúng tôi phải trở về đất liền mang theo ước vọng ngày nào đó đảo Cồn Cỏ sẽ phát triển hơn, phương tiện đi lại sẽ thuận tiện hơn để thu hút du khách từ đất liền ra đảo. Hà Thu, theo Lưu Tuấn Anh/Cổng thông tin Du lịch Quảng Trị

Có thể bạn quan tâm:

  • Tháp Chăm Pô Sah Inư
  • Bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình
  • Những địa điểm lý tưởng cho giới trẻ mùa Giáng sinh 2019
  • Hà Tĩnh sẵn sàng tuần lễ kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du
  • Thích Ca Phật Đài
  • Tận dụng đất trống trồng rau má, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng
  • Những cây cầu “sống ảo” nổi tiếng
  • Xuôi dòng Trà giang - Quảng Ngãi
  • Roving Chillhouse Hội An - Quán cafe giữa đồng đẹp ngỡ ngàng khiến dân tình điên đảo
  • Quảng Ngãi dừng đề án xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh