Du lịch Sóc Trăng chuyển mình khởi sắc
Những năm gần đây, du lịch Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, khởi sắc. Sản phẩm dịch vụ du lịch không ngừng được nâng cao về chất lượng và đa dạng về loại hình, nguồn nhân lực du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được cải thiện; lượt khách du lịch và doanh thu du lịch tăng trưởng khá qua các năm, nhất là giai đoạn 2016-2019. Những thành quả nổi bật Không chỉ sở hữu 72km đường bờ biển cùng các dãy cù lao trên sông, các vườn cây ăn trái, Sóc Trăng còn 8 di tích lịch sử cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh, cùng nhiều lễ hội độc đáo và nhiều món ăn đặc sản của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… với nguồn tài nguyên đa dạng, Sóc Trăng đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch biển,… Thời gian qua, nhiều điểm du lịch tiêu biểu đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng, nâng chất về cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn trật tự và chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: Chùa Mahatup (chùa Dơi), chùa Sro lôn (chùa Chén Kiểu), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Kh’leang, chùa Bốn Mặt, Nhà trưng bày Văn hóa Khmer… Ngoài ra, những điểm du lịch mới cũng được hình thành và thu hút khách du lịch. Sau khi Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017-2020 được triển khai thực hiện, loại hình du lịch cộng đồng đã được hình thành và từng bước phát triển như: Cụm du lịch cộng đồng tại ấp Phương An 3 (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú), Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách), Cụm du lịch cộng đồng huyện Cù Lao Dung. Hạ tầng du lịch đã được tập trung đầu tư vào các hạng mục trọng yếu, có tính chất động lực, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển và tạo đà cho ngành du lịch tăng trưởng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Sóc Trăng chú trọng xã hội hóa trong phát triển du lịch, nhiều dự án du lịch đã và đang được triển khai mang lại hiệu quả tích cực, tiêu biểu là dự án Tuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo đang hoạt động hiệu quả, tạo động lực cho phát triển du lịch, phát triển nhiều loại hình du lịch, sản phẩm du lịch mới. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 1 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, gồm: Điểm du lịch Tân Huê Viên, nhà hàng Khu du lịch chùa Dơi, Điểm dừng chân Quãng Trân, Điểm dừng chân Công Lập Thành, Vincom Sóc Trăng. Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn có nhiều khu vui chơi, giải trí mua sắm, ăn uống phục vụ du khách, cùng 36 điểm dừng, đón khách du lịch và 4 điểm du lịch được công nhận gồm: Điểm du lịch di tích nghệ thuật cấp quốc gia chùa Mahatup, Điểm du lịch Trung tâm Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt và Điểm du lịch Bửu Sơn Tự. Năm 2018, tỉnh Sóc Trăng đón 2.022.266 lượt khách, đạt 122% kế hoạch năm, tăng 32% so với năm 2017. Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Sóc Trăng đạt 2.400.000 lượt, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 18,6% so với năm 2018. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch ngày càng được đổi mới; liên kết, phát triển tuyến, tour du lịch đã tạo hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa mạnh, đạt hiệu quả tốt, tạo được thương hiệu uy tín cho Du lịch Sóc Trăng, từ đó mở rộng thị trường, liên kết được nhiều công ty lữ hành miền Bắc, miền Trung, TP.HCM thường xuyên có tour đưa khách về Sóc Trăng. Giá trị sản phẩm du lịch tiêu biểu và khác biệt Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng nằm trong không gian phát triển du lịch phía Tây của vùng cùng các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển đảo; sinh thái, trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, lịch sử, lễ hội. Triển khai Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL ngày 14/12/2019 các tỉnh, thành trong Cụm phía Tây ĐBSCL đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động như: Ngày hội quảng bá giới thiệu sản phẩm kích cầu du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; khảo sát sản phẩm du lịch Bạc Liêu – Sóc Trăng – Kiên Giang – Hậu Giang – Cà Mau nhằm liên kết, hợp tác xây dựng phát triển tuyến, tour du lịch mới… Nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, trong đó không ít sản phẩm là kết quả của việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong Cụm. Nguồn nhân lực du lịch được bồi dưỡng, tập huấn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch trong tình hình mới. Trong năm 2020, các địa phương trong Cụm đã có nhiều hình thức xúc tiến, quảng bá phong phú, đa dạng. Trong đó, Sóc Trăng đã xây dựng đề án “Phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035”; đề án “Chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, vận hành thử nghiệm Hệ thống du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh… Kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển du lịch Cụm phía Tây ĐBSCL năm 2021 đã khẳng định vai trò của Cụm trong liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Theo đó, các tỉnh, thành tích cực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phối hợp, liên kết hình thành nên các tuyến du lịch đặc trưng trong Cụm như: Tuyến Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau; Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang; Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau/Kiên Giang. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và cụm liên kết phía Đông để hình thành các tuyến du lịch đặc trưng của ĐBSCL. Để du lịch Sóc Trăng chuyển mình phát triển tương xứng với những tiềm năng và lợi thế của vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 02/8/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết 05/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 29/6/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về triển khai Nghị quyết 05/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phát huy và khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch; tập trung khai thác tiềm năng du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội; du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hóa trên sông, với Đề án “Làng Văn hóa – Du lịch chợ nổi Ngã Năm”; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển, tiếp tục nâng cấp phát triển 3 Cụm du lịch cộng đồng tại các huyện Mỹ Tú, Kế Sách, Cù Lao Dung; kết hợp phát triển du lịch điện gió, du lịch biển… gắn với khai thác tiềm năng du lịch thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và xây dựng sản phẩm du lịch, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển các dịch vụ du lịch tại trung tâm thành phố Sóc Trăng như cơ sở lưu trú cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí, phố đi bộ tại tuyến đường Lý Thường Kiệt nhằm thu hút khách du lịch nghỉ đêm… Ngoài ra, công tác liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch; hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài khu vực; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; công tác quản lý nhà nước về du lịch… cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Theo Du lịch Sóc Trăng