Khóc nhà thờ Đức Bà Paris, lại thương nhà thờ Bùi Chu, Trà Cổ

Khóc nhà thờ Đức Bà Paris, lại thương nhà thờ Bùi Chu, Trà Cổ

Ngày 15-4, cả thế giới kinh hoàng dõi theo những hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa, sau đó ngọn tháp Mũi Tên bằng kim loại của nó sụp xuống, và cuối cùng là mái nhà thờ đổ sập. Một thảm kịch của nhân loại Trong vài giờ, một nỗi sợ hãi bao trùm thế giới rằng toàn bộ tòa nhà sẽ biến thành đống tro tàn sau gần 9 thế kỷ đứng kiêu hãnh và xinh đẹp, như một nhân chứng kiên cường trước lịch sử hỗn loạn của châu Âu. Những giờ sau đó, hàng trăm lính cứu hỏa dũng cảm và chuyên nghiệp đã tìm cách khống chế ngọn lửa và cứu lấy cấu trúc của tượng đài Paris yêu dấu này. Họ thậm chí có thể đã cứu được chiếc kính màu tuyệt đẹp của nó - một trong những dấu vết ngoạn mục nhất còn lại của châu Âu thời Trung Cổ. Trước khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn, Tổng thống Macron đã tuyên bố với quốc dân lời hứa rằng di sản này sẽ không bị mất, những tài năng tốt nhất trên thế giới sẽ được huy động để tái tạo lại Nhà thờ Đức Bà trước đây. Đây là một thảm kịch cho nhân loại, nhưng nhìn chung nó là một thảm kịch được kiểm soát. Trách nhiệm về vụ hỏa hoạn vẫn cần phải được tiếp tục làm rõ, nhưng chính phủ Pháp đã phản ứng nhanh chóng, và nói chung, thiệt hại dường như ít nghiêm trọng hơn nó có thể xảy ra. Cả mái nhà và ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà thực sự được xây dựng thêm vào cuối thế kỷ 19 - thời điểm mà Paris đang được nhà quy hoạch đô thị nổi tiếng nhất mọi thời đại Baron Hausman hiện đại hóa. Trên thực tế, ngọn tháp thậm chí không tồn tại trong nhà thờ nguyên bản thời Trung Cổ. Tái thiết lại nhà thờ sau cuộc hỏa hoạn sẽ tốn thời gian và chi phí, nhưng tôi không nghi ngờ rằng nó sẽ được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất về bảo tồn kiến trúc. Những thảm kịch tương tự ít được chú ý Trong khi đó, một thảm kịch tương tự đang diễn ra ở Việt Nam năm này qua năm khác, nhưng nó đang nhận được chú ý ít hơn nhiều. Một số lượng lớn các nhà thờ và thánh đường xinh đẹp nằm rải rác trên cả nước, trong đó có một nhóm nhà thờ tuyệt đẹp nằm ở tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Những nhà thờ và thánh đường này được xây dựng dưới sự cai trị của Pháp, và chắc chắn chúng là hiện thân cho các giá trị thực dân bị chối từ bởi hầu hết mọi người (kể cả người dân Pháp). Nhưng những tòa nhà này và trang trí nội thất bên trong chúng thật sự là những viên ngọc kiến trúc nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc Beaux Arts với thẩm mỹ truyền thống của Việt Nam. Sự hủy hoại những công trình kiến trúc này là một mất mát cho nhân loại. Ngày 5-8-2017, nhà thờ Trung Lao (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cũng đã bị bốc cháy. Không giống như Nhà thờ Đức Bà Paris được cứu những phần kiến trúc quan trọng, nhà thờ Trung Lao đã bị sụp đổ hoàn toàn. Trước đó, tháng 3-2017, nhà thờ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã bị đập bỏ để nhường chỗ cho một công trình lớn hơn, hiện đại hơn. Đây được coi là nhà thờ đẹp nhất ở vùng Đông Bắc, đã hơn 120 tuổi. Và nay thì nhà thờ Bùi Chu tuyệt đẹp và nổi tiếng bậc nhất ở Nam Định cũng sắp phải đón nhận số phận buồn thương tương tự như nhà thờ Trà Cổ. Đây là những mất mát bi thảm cho bất cứ ai, không chỉ với người Việt Nam. Sự phá hủy một công trình như Nhà thờ Đức Bà, hay Nhà thờ Bùi Chu, là một vết thương lòng cho mỗi chúng ta. Kiến trúc ngôi giáo đường cổ kính hơn 130 năm tuổi ở Bùi Chu Theo tôi biết, chỉ có một nhà thờ ở Việt Nam, nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, được xếp hạng Di tích quốc gia, được bảo vệ theo Luật di sản Văn hóa. Không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc và di sản, nhưng tôi tin rằng một tập hợp các tòa kiến trúc đáng chú ý như các nhà thờ công giáo ở miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể khát vọng lọt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Nếu chúng được bảo vệ và cải tạo đúng cách, chúng sẽ trở thành một mạch du lịch hấp dẫn và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân địa phương. Tuy nhiên, các chức sắc tôn giáo và giáo dân ở Việt Nam dường như không yêu quý di sản của họ nhiều như người Paris. Việc cải tạo và bảo tồn các tòa nhà cũ là rất tốn kém. Xây dựng mới các nhà thờ sau khi các công trình cũ đã bị kéo đổ, hoặc bị thiêu cháy bởi hỏa hoạn, chắc chắn là rẻ hơn nhiều và dễ hơn nhiều so với việc nỗ lực cải tạo và bảo tồn công trình di sản cổ. Nhưng tôi thực sự hi vọng rằng thảm kịch với Nhà thờ Đức Bà Paris khiến cả thế giới xúc động sâu sắc vào ngày 15-4 sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các chức sắc tôn giáo và giáo dân của Việt Nam. Và sẽ thật tuyệt vời nếu chính phủ giúp những chức sắc tôn giáo này hiểu rằng họ đã được giao phó các di tích vốn là một phần trung tâm di sản quý giá của đất nước. Trách nhiệm của họ là phải có những hành động, những quyết định tương xứng với sự tin tưởng này. Anh Vũ, theo tuoitre.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới 1950 và Giải phóng tỉnh Cao Bằng (3/10/1950-3/10/2020)
  • Mộc Châu thành vùng đỏ, du khách cần chú ý khi du lịch Sơn La
  • Khám phá hang Thẳm Phầy - Sơn Đoòng vùng Ba Bể
  • Đền Mariamman
  • 3 làng hoa miền Tây rộn ràng khoe sắc dịp cận Tết
  • Thăm hải đăng trắng Hòn Chút trên đảo tôm hùm Bình Hưng
  • Hàng nghìn du khách Nga mắc kẹt trên thế giới
  • Những địa danh đẹp nhất để du xuân ở Ninh Bình dịp Tết này
  • Ghé thăm “khách sạn lãng mạn nhất thế giới” ở Đà Nẵng
  • Cá Bỗng – Nét văn hóa ẩm thực ngày Tết của đồng bào Tày Lục Yên