Thăm đền Cao An Phụ

Thăm đền Cao An Phụ

Dãy núi An Phụ dài 17km, kéo từ Tây sang Đông, trên đó là đỉnh An Phụ cao 246m như chiếc nón chóp khổng lồ. Sau khi Trần Liễu mất, người dân lập đền thờ ông trên đỉnh núi này. Ngày mất của ông (1-4 âm lịch) trở thành ngày hội của đền Cao An Phụ, hằng năm thu hút một lượng lớn khách thập phương đến trảy hội, tham quan, chiêm bái. Được xây dựng theo kiểu kiến trúc “tiền nhất hậu đinh”, đền Cao An Phụ gồm tiền tế, trung từ và hậu cung. Tại gian tiền tế có hệ thống hoành phi câu đối nói về công tích của An Sinh vương Trần Liễu. Trong hậu cung có thờ tượng Ngài và hai cháu nội: Đệ Nhất Vương Cô, Đệ Nhị Vương Cô - 2 con gái của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Nằm lọt giữa hai đỉnh của dãy núi An Phụ là chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao. Ngôi chùa này được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, dưới vương triều Trần. Mặc dù bị giặc phá hủy nhiều lần nhưng ngôi chùa vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng nhờ việc phục dựng lại kiến trúc ban đầu cùng hai cây đại trên 700 năm tuổi và giếng Ngọc, giếng mắt Rồng quanh năm ăm ắp nước trong vắt. Cách chùa khoảng 100m về phía Đông còn có Bàn cờ tiên bằng đá. Trên đỉnh núi thứ hai cao khoảng 200m là khu vực tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Bức tượng có kích thước lớn, được tạc bằng đá xanh lấy từ núi Nhồi (Thanh Hóa), cao 9,7m; đế dày 3m gồm 65 phiến đá. Tượng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được tạc đứng sừng sững, uy nghiêm, khắc họa rõ nét hình tượng vị anh hùng dân tộc tài đức, văn võ song toàn, oai phong lẫm liệt nhưng nhân hậu, hiền từ. Pho tượng được đặt hướng về biển Đông như nhắc nhở con dân nước Việt luôn cảnh giác, bảo vệ giang sơn đất nước. Bên cạnh tượng đài Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là bức phù điêu được làm bằng đất nung có chiều dài 45m, cao 2,5m, gồm 526 mảng khắc. Bức phù điêu giống như cuốn truyện tranh khổng lồ tái hiện 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Đây là bức phù điêu bằng đất nung lớn nhất nước ta, do các nghệ nhân làng Cậy (xã Long Xuyên, huyện Bình Giang) nung, đốt theo phương pháp thủ công, có giá trị cao về mặt thẩm mỹ và văn hóa - lịch sử. Năm 1992, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đền Cao An Phụ được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Ngày 22-12-2016, quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương được Nhà nước xếp hạng là quần thể Di tích quốc gia đặc biệt./. Theo Hà Nội Mới

Có thể bạn quan tâm:

  • Độc đáo vườn chim giữa lòng thành phố
  • Đến Đà Lạt khám phá 5 ngọn đồi đẹp nhất
  • Bình Định: Thí điểm đón khách du lịch đến bán đảo Phương Mai
  • Bình Định chấp nhận chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng hơn 700 tỷ đồng
  • 7 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Hà Tĩnh kết thúc áp dụng Chỉ thị 15
  • Lễ này, check-in mỏi tay tại 5 quán cà phê view đẹp ở Vũng Tàu
  • Ngày xuân, kể chuyện về những người giữ hồn văn hóa Chăm
  • Khu nghỉ dưỡng và khách sạn Ninh Bình Hidden Charm
  • Tận dụng đất trống trồng rau má, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng
  • Nhảy xuống hồ cứu cháu nhỏ 2 tuổi, 2 học sinh Gia Lai tử vong