9 đặc sản phải thử ở quê hương Hoa hậu Lương Thùy Linh

9 đặc sản phải thử ở quê hương Hoa hậu Lương Thùy Linh

Bánh trứng kiến, món ăn độc đáo của người Tày vùng núi Đông Bắc là thứ bạn nên nếm thử nếu đến Cao Bằng vào khoảng từ tháng 4 - tháng 5. Đây là thời điểm sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng, cho trứng non làm nhân. Bánh được bọc bởi một lớp bột nếp nương và lá cây vả non, đem hấp cách thủy khoảng 45 - 50 phút là chín. Thịt vịt ướp bằng 7 loại gia vị gồm gừng, tỏi, hành khô, hạt tiêu, mật ong, đậu hũ, lá mắc mật khô trước khi đem quay cho lớp da vàng bóng, dậy mùi thơm. Vịt quay 7 vị chín có lớp da giòn, thấm vị còn phần thịt thì mềm, ngọt. Du khách đã một lần thưởng thức hạt dẻ Trùng Khánh, chắc chắn sẽ khó có thể quên được vị thơm bùi. Hạt có màu nâu đều, tròn, chế biến bằng nhiều cách như luộc, rang, sấy hay thậm chí ninh với chân giò, thịt gà... Hạt dẻ ngon nhất vào mùa thu hoạch tháng 9 và 10 hằng năm. Đến Cao Bằng vào mùa đông, chiếc bánh áp chao sẽ giúp bạn xua đi cái lạnh. Vỏ bánh làm bằng gạo nếp trộn với gạo tẻ, xay nhuyễn. Nhân bánh làm từ thịt vịt hoặc thịt lợn ướp gia vị, chiên ngập dầu cho phồng. Vỏ bánh giòn, bên trong dẻo cộng với nhân đậm đà, ăn kèm nước chấm chua ngọt là chuẩn vị. Xôi trám có vị thơm dịu dàng của nếp nương hòa với mùi thơm ngai ngái của trám rừng, loại cây mọc nhiều ở miền núi phía Bắc nhưng chỉ cho quả vào mùa thu. Bạn cũng có thể mua trám về làm quà hoặc đem kho với thịt, làm mứt... Loài rau dại có tên dạ hến được nhiều thực khách lựa chọn khi vào các quán ăn ở Cao Bằng. Thân dây giòn, xào chung với thịt bò, lòng lợn, lòng gà, ăn rất tốn cơm. Không ít du khách đến đây còn tranh thủ ra chợ sớm, mua rau trước khi về thành phố, để dành ăn dần. Miến làm từ củ dong riềng trồng trên dãy phia bắc thuộc cánh cung núi Ngân Sơn cho màu đen lạ mắt. Miến dong đen không sử dụng chất bảo quản hay chất tẩy, nấu với thịt gà ăn kèm với nấm hương, mộc nhĩ, trở thành món ăn sáng lý tưởng. Bên cạnh đó, bánh cuốn Cao Bằng ăn cùng chén nước súp có chả, trứng gà chần, cũng là món ăn sáng ấm bụng. Vì cách ăn lạ nên nhiều người gọi đây là bánh cuốn canh để dễ phân biệt với bánh cuốn chấm nước mắm ngọt thường thấy ở những nơi khác. Bánh khảo là lương khô của người Tày, Nùng, thường được dùng trong những ngày lễ, Tết vì có thể để lâu mà không bị hỏng. Bánh làm từ gạo nếp thơm, phần nhân bên trong thì làm bằng đường phèn hoặc đường kính kèm với vừng, lạc và mỡ lợn, thích hợp nhâm nhi cùng trà nóng, đãi khách. Theo Ngoisao.net

Có thể bạn quan tâm:

  • Bản Tày trong thành phố
  • Bình Dương phục dựng một công trình mang dấu ấn lịch sử, văn hóa
  • Đền Tả Phủ - Lạng Sơn
  • Bánh mì “âm phủ” Đà Nẵng bán hơn 1.000 ổ mỗi đêm
  • Những con số khủng từ lễ cưới đình đám của cặp đôi đại gia Ấn Độ tại Phú Quốc
  • Ngưng thu phí tham quan, cả trăm ngàn người miền Tây đổ về làng hoa Sa Đéc
  • Thác Voi
  • Nghĩa địa cá voi độc nhất Việt Nam
  • 5 địa chỉ ăn sáng lâu đời ở TP.HCM
  • “Cà phê Biệt động” - Những trang sử sống động