Độc đáo tục thờ lúa trên quê đất Tổ

Độc đáo tục thờ lúa trên quê đất Tổ

Truyền thuyết kể rằng, các vua Hùng đã đi thăm dân, dạy dân trồng lúa, cấy lúa và cùng các lão làng khấn vía lúa, cầu trời đất cho dân no đủ. Nơi vua Hùng lên gọi vía lúa là đỉnh núi Hùng, nay là đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc di tích quốc gia đặc biệt Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ở xã Hy Cương, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trong đền Thượng có thờ một tảng đá đẽo hình vỏ trấu rất to, người dân thường tổ chức, thực hiện nghi lễ tế “Lúa thần” vào ngày mùng 1 tháng Giêng và ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch hằng năm. Người dân vẫn truyền lại rằng, tại chính nơi đây, từ thuở khai lập nhà nước Văn Lang, các vua Hùng hằng năm kế tục nhau lên cầu trời đất, khấn tế gọi vía hạt lúa thần và cầu cho mưa thuận gió hòa, an dân hạnh phúc… Nghi lễ tế “Lúa thần” thường được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Giêng và ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch hằng năm Tục thờ lúa không chỉ diễn ra ở đền Thượng mà còn ở nhiều địa phương khác trong tỉnh Phú Thọ. Bằng một nghi thức nào đó, tại các lễ hội truyền thống, những nghi lễ, diễn xướng liên quan đến cây lúa, hạt thóc cũng được đan xen thực hiện nhằm tưởng nhớ đến công ơn của các vị vua Hùng đã có công hướng dẫn người dân làm nông nghiệp. Cụ thể, ở xã Thanh Đình, TP.Việt Trì, vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm diễn ra lễ cầu mùa với tục hèm độc đáo rước ông Khiu, bà Khiu. Kiệu rước ông Khiu, bà Khiu trên để cỏ de (một loại cỏ, lá giống lá lúa) buộc lẫn bó lúa tẻ, lúa nếp và một ít hạt ngô, đậu, khoai sọ và một cái bánh chưng Tày dài bằng cẳng tay. Sau khi chủ tế thực hiện nghi lễ ở Gò tế thánh (cánh đồng Ghệ), ông Khiu bưng mâm lúa và ngũ cốc, bà Khiu cầm chiếc bánh chưng tung xuống sân cho dân làng cướp lấy khước. Hay như tục rước lúa thần trong Lễ hội Trò Trám ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao diễn ra vào sáng 12 tháng Giêng. Trong lễ hội, dân làng tổ chức rước “lúa thần” và diễn trò trình nghề Tứ dân chi nghiệp. Lễ hội Trò Trám ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao diễn ra vào sáng ngày 12 tháng Giêng, có tổ chức rước “lúa thần” và diễn trò trình nghề Tứ dân chi nghiệp “Lúa thần” là một khóm lúa bông dài, hạt mẩy, chủ tế chọn từ vụ mùa năm trước, đến Tết thêm một cây mía đủ ngọn. Cả khóm lúa và cây mía tượng trưng cây lúa thần. Đám rước đi quanh làng, về miếu Trám, khóm “lúa thần” được đặt lên bàn thờ và phường Trám diễn trò trình nghề. Trò “Chạy tùng dí” là trò múa phong tục do hai thôn Vi Cương và Triệu Phú (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) cùng cử hành chung. Từ vụ mùa năm trước, ông chủ tế phải chọn những bông lúa nếp tốt, hạt to và chắc, bó thành 12 bó. Đến mùng 7 tháng Giêng, sau khi tế lễ xong, chủ tế tay cầm một cây mía tốt đứng ở giữa sân đình, 6 thanh niên, mỗi người mang một đòn gánh sơn son thếp vàng, mỗi đầu đòn buộc hai nắm lúa con và hai nắm xôi gói lá dong, chia làm hai nhóm vừa chạy vòng quanh sân đình 3 vòng, vừa reo “Hú tùng dí, hú tùng dí”. Múa xong ba vòng thì chủ tế tung lúa và xôi cho mọi người cùng cướp, với mong muốn người dân nơi đây được một mùa bội thu. Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa ở phường Minh Nông, TP.Việt Trì là lễ hội tái hiện rõ nét truyền thuyết về vua Hùng dạy dân cấy lúa. Đó là lệ cầu xuống đồng vào ngày 1 tháng 6 và 1 tháng 11 âm lịch. Theo tục lệ, dân làng chọn cử một cụ cao niên, làm lễ tế Thần Nông tại đàn xây trên khu ruộng Tịch điền, lễ vật gồm ván xôi gà, trầu cau, vài bó mạ, cây nêu cao. Sau khi tế lễ xong thì làm lễ xuống đồng. Ông chủ tế kiêm chủ điền lúc này đóng vai tượng trưng cho vua Hùng cùng các quan viên, hội đồng kỳ mục và đông đảo bà con dân làng ra ruộng cấy lúa. Một người cầm hương, một người cầm mạ, một người cầm lọng che cho chủ tế. Ông chủ tế xắn quần, áo tế rồi cầm mạ lội xuống ruộng, cấy xong bó mạ thì lên bờ. Dân làng cùng nhau ùa xuống cấy tiếp trong không khí náo nhiệt, vui vẻ với mong muốn người người thạo việc, mùa màng bội thu, đông đàn dài lũ, người người no đủ. Cấy xong thửa ruộng, dân làng cùng ông chủ tế làm lễ tạ Thần Nông rồi cùng các quan viên, kỳ mục, bô lão trong làng về đền làm lễ tạ Thành hoàng. Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa ở phường Minh Nông, TP.Việt Trì là lễ hội tái hiện rõ nét truyền thuyết về Vua Hùng dạy dân cấy lúa Tại làng Cổ Tích (xã Hy Cương, TP.Việt Trì), thì có lễ hạ điền được tổ chức vào ngày 25 tháng 5 âm lịch. Lễ vật gồm ván xôi gà và ba bó mạ. Ông Chúa đồng là người được dân làng chọn cử, chít khăn đỏ, áo đỏ xuống đồng cấy lúa. Khi Chúa đồng cấy xong, dân làng lấy bùn nhão tung vào Chúa đồng làm cho Chúa đồng ướt hết, với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa. Ở Kẻ Thiệc (tức xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ), lễ hạ điền được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch. Ông Chúa đồng cấy xong lại cắm thêm mấy mầm khoai môn. Lễ hạ điền ở xã Thụy Vân, TP.Việt Trì cũng được tổ chức vào ngày 15 tháng 6 âm lịch. Chúa điền lo 100 miếng trầu cau, đồng thời mỗi giáp phải sửa một ván xôi gà đem ra đình. Chúa điền làm lễ cúng thần linh trong đình rồi mới xuống ruộng cắm một cây nêu và cấy từ 8 đến 12 khóm lúa quanh cây nêu. Một nghi thức không thể bỏ qua trong các lễ hội trên là trước lúc Chúa đồng xuống đồng cấy mở đầu thời vụ thì phải làm lễ cúng Thần Nông. Các lễ thức trong các lễ hội cho thấy tục thờ lúa trong các lễ hội truyền thống luôn gợi nhớ truyền thuyết về vua Hùng. Đây chính là đặc trưng của những tập tục tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước được gắn với không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thời dựng nước, thông qua những câu chuyện tái hiện trong các lễ hội nhằm mang lại cho người dân đời sống ấm no. Theo danviet.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Mẫu Sơn trắng xóa trong băng giá
  • Đắk Lắk: Nỗ lực tìm kiếm nam thanh niên mất tích do lũ cuốn
  • Ngất ngây với Vương quốc hoa Đỗ quyên rực rỡ ở Vĩnh Phúc
  • Những thiên đường săn mây đẹp nhất Việt Nam
  • Khám phá 'Cánh đồng bất tận' ở Long An
  • 10 địa danh đậm chất di sản đất Bắc Giang
  • Chùa Bà Mụ, Hội An
  • Đưa 126 người dân tỉnh Đắk Nông kẹt ở tâm dịch Đà Nẵng về quê
  • Ngắm toàn cảnh Huế trong chiều hoàng hôn trên Đồi Vọng Cảnh
  • "Xõa" hết mình ở khu du lịch sinh thái Thủy Châu