Độc đáo phiên chợ 10 nghìn đồng trên đỉnh đèo Măng Rơi

Độc đáo phiên chợ 10 nghìn đồng trên đỉnh đèo Măng Rơi

Nhiều mặt hàng đặc trưng của núi rừng được người dân bán với giá 10 nghìn đồng Trong chuyến công tác từ huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trở về, chúng tôi dừng chân tại ngôi chợ trên đỉnh đèo Măng Rơi (địa phận giáp ranh giữa 2 huyện Đăk Tô và Tu Mơ Rông). Đập vào mắt là hình ảnh ngôi chợ tạm xập xệ, được dựng bằng những trụ gỗ nhỏ, mái được lợp bằng tranh, gian hàng này thông với gian hàng kia, ai có mặt hàng gì thì cứ bày ra bán, từ sản vật núi rừng, đến tự tay nuôi trồng. Các mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu là những sản vật núi rừng như: măng le, chuối, bí đỏ, bắp (ngô), các loại rau rừng, tiêu rừng và cả hoa lan rừng… Tất cả được người dân làm sạch sẽ, chia thành từng gói nhỏ, bỏ sẵn trong bao bì và đều được bán với giá 10 nghìn đồng. “Thương lái” ở đây là người Xơ Đăng xưa nay chân lấm tay bùn, sống ở chân đèo Măng Rơi. Nhiều người trong số họ là những em học sinh vẫn còn đang đi học, có người thì lớn tuổi không nói được tiếng phổ thông nhưng vẫn mạnh dạn đem các sản vật từ rừng ra bán. Lý giải việc các mặt hàng ở đây đều bán với giá 10 nghìn đồng, bà Y H’rum (làng Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) cho hay, đa số các mặt hàng ở đây đều do người đồng bào tự trồng được hoặc lên rừng hái về, nên chỉ bán giá như vậy thôi. Với lại, từ khi có chợ này người ta đã bán như vậy rồi, nên ở đây mới có tên là chợ 10 nghìn đó. Bà Y H’rum cho biết thêm, người bán hàng ở chợ này đều là đồng bào Xơ Đăng ở thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, sống dưới chân đèo Măng Rơi. Hàng ngày, cứ tầm 6h sáng người dân trong thôn sẽ đi bộ khoảng 4 km để lên đỉnh đèo, ai có hàng hóa gì của nhà trồng được thì mang lên đây bán, nếu không thì vào rừng kiếm rau, củ các loại, đến khoảng 12h trưa thì tập hợp hết ra chợ, 5h chiều khi khách bắt đầu thưa thớt thì chợ giải tán. Chợ 10 nghìn thu hút đông người qua lại tham quan và mua sắm Chị Y Hiền (thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) bán ở chợ này hơn 1 năm chia sẻ: “Hôm nào ế thì bán được 60 - 70 nghìn đồng, hôm nào đông khách thì bán cũng được 200 nghìn đồng. Ngày xưa bà con mình không biết buôn bán đâu, làm ra hạt lúa, kiếm được củ măng, bó rau là chỉ để ăn thôi hoặc cho nhà này, nhà kia. Sau này mới biết đem lên đây bán để kiếm tiền cải thiện cuộc sống, mua thứ này thứ khác, rồi lo cho con đi học. Lần đầu còn bỡ ngỡ lắm nhưng sau này thành quen rồi”. Khách hàng của chợ thường là cán bộ, công chức trên đường đi làm về ghé mua, người dân các khu vực lân cận hoặc cũng có thể là khách qua đường. Chị Trần Thị Nhung, công tác trong ngành giáo dục huyện Tu Mơ Rông, một khách hàng thường xuyên của chợ này chia sẻ: “Tôi thường xuyên mua các mặt hàng ở đây vì giá rẻ, các mặt hàng nông sản ở đây đảm bảo sạch, không hóa chất. Ngoài việc mua về dùng tôi còn mua gửi tặng bạn bè, người thân. Hơn nữa cũng giúp bà con có thêm nguồn thu nhập vì đa số họ còn nghèo, khó khăn”. Cũng kịp lựa chọn cho mình một vài sản vật sạch, giá rẻ mang về làm quà, chúng tôi chào các “thương lái” để về khi trời cũng bắt đầu chập choạng tối. Suốt đoạn đường về, trong đầu chúng tôi cứ ẩn hiện câu hỏi, vì sao ngành chức năng không hỗ trợ người dân để có nơi buôn bán kiên cố hơn, để rồi sẽ trở thành điểm nhấn để người dân giới thiệu, quảng bá những sản vật đặc trưng của núi rừng, địa phương mình. Theo baovanhoa.vn

Có thể bạn quan tâm:

  • Tiền Giang: Bờ kè tiền tỷ bị sạt lở cắt đứt đường giao thông lâu ngày chưa được khắc phục
  • Bến Tre: Tranh giành khách, một nữ hướng dẫn viên du lịch bị đánh trọng thương
  • Tạm dừng vận tải hành khách tuyến cố định Lai Châu - Điện Biên
  • Nghỉ dưỡng 5* giữa núi rừng đại ngàn Ba Vì
  • Biển Cô Tô - Điểm đến hấp dẫn ẩn mình ở vùng Đông Bắc Tổ quốc
  • Kon Tum: Độc đáo… mùa hoa dại
  • Về Tầm Vu nhớ thưởng thức đặc sản trứ danh
  • Thăm cột mốc ba biên huyền thoại ở Kon Tum
  • Han Sara cũng đã "đếm cừu" rồi, chỉ còn đợi bạn nữa thôi!
  • “Giếng nước siêu to khổng lồ” trăm tuổi ở thành phố cổ xưa nhất Miền Tây