Độc đáo chợ phiên của người Tày-Nùng ở Thông Huề, Cao Bằng

Độc đáo chợ phiên của người Tày-Nùng ở Thông Huề, Cao Bằng

Thông Huề (còn viết là Thông Hoè) là một xã nằm ở phía Nam huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), có tỉnh lộ 206 từ thành phố Cao Bằng đi thác Bản Giốc chạy qua theo hướng Đông Bắc-Tây Nam. Chợ Thông Huề trên đường đi đến Thác Bản Giốc. Đoạn đường chạy qua xã nay được gọi tên là “phố Thông Huề". Thông Huề có sông Bắc Vọng chạy theo hướng tây bắc-đông nam chảy qua. Cây cầu sắt nho nhỏ bắc qua sông đã trở thành một dấu hiệu báo cho khách đi đường rằng: bạn đã đến Thông Huề. Từ Thông Huề theo dọc sông Bắc Vọng bạn có thể đi tắt đến huyện lỵ Trùng Khánh với phong cảnh thật hữu tình. Mùa Xuân hoa gạo (địa phương gọi là “mộc miên”), có thác nước nhỏ, có guồng nước, hoa cỏ tươi tốt… Có sông có núi, có ruộng có nương, có sản vật địa phương: rau tươi, cá, thịt… phong phú. Thông Huề là một điểm dừng chân thú vị. Đặc biệt là vào những năm nhuận, giữa tháng 2 âm lịch, dân phố Thông Huề tổ chức “đêm hội hoa đăng” tại miếu thờ Long Vương dọc sông Bắc Vọng dưới chân núi Cô Tiên thật tưng bừng rộn rã. Vài năm qua, tỉnh lộ 206 được mở rộng, nâng cấp, đèo Khau Liêu được hạ thấp, đường ô tô Trùng Khánh - Bản Giốc không còn chạy qua trung tâmThông Huề nữa, chợ Thông Huề từ đó không bị sức ép của giao thông, phiên chợ càng đông vui. Giống như nhiều địa phương ở Cao Bằng, chợ Thông Huề họp 5 ngày một phiên, vào các ngày 2 và 7 theo lịch dương. Cư dân bản địa, đông nhất là người Tày và người Nùng mang đến chợ những sản vật địa phương và cùng uống với nhau chén rượu, ăn món bánh cuốn nóng… mua mấy phong bánh khảo làm quà đi chợ cho trẻ em ở nhà… Với người dân Thủ đô, nhiều năm qua phải ăn nhưng cây cải bắp bé tí, nhạt nhẽo, đến chợ Thông Huề thấy những cây cải bắp to đường kính gần 2 gang tay, cuộn chặt nom thật mê. Rau dưa trồng trên núi cao, những sản vật địa phương được bày bán ở chợ. Những sản vật ở đây 100% không có thuốc kích thích và chất bảo quản. Những thứ người dân trồng được, hái được trên rừng đều mang ra chợ bán. Hương thơm và vỏ thuốc được tự tay làm và mang ra chợ bán. Những chú cún đốm nhốt trong rọ theo chủ xuống chợ. Một gian hàng thuốc lá của người dân tộc. Hai bà cháu cùng đi chợ sớm. Bà cụ già người Nùng ngồi bán rượu đang hút thuốc lào đợi khách. Đi chợ sớm thì phải tranh thủ lót dạ bằng bánh cuốn Cao Bằng và vài chén rượu men lá. Thương lái các nơi về chợ Thông Huề gom hàng. Niềm vui của một em nhỏ khi được cùng mẹ đi chợ. Những bức trướng Chúc mừng năm mới theo phong cách của đồng bào vùng cao được bày bán, báo hiệu mùa Xuân mới đã về gần. Đặc biệt là gặp mấy người làm nghề thiến gà với dụng cụ là một chiếc kẹp, kéo và thìa, kim khâu và sợi cước làm chỉ. Một bà đang “hành nghề” cho biết: gà to công rẻ hơn gà nhỏ: chỉ 5.000 đồng. Chủ gà còn được biếu lại hai hòn “ngọc kê” kèm theo một chén rượu… Bà tủm tỉm “bổ lắm đấy”… Trương Cộng Hòa/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm:

  • Lạng Sơn: Điểm đến du lịch tâm linh trong dịp Tết Nguyên đán
  • Roving Chillhouse Hội An - Quán cafe giữa đồng đẹp ngỡ ngàng khiến dân tình điên đảo
  • Du lịch Ninh Thuận sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại
  • Hồn kèn giữa chốn chợ Mông
  • Người "hồi sinh" cho sách cũ
  • Tôm khô Rạch Gốc - đặc sản quà tặng nổi tiếng của cả nước
  • Quảng Ngãi: Lấy biển đảo làm chủ đạo để phục hồi du lịch
  • Làng gốm ở Bình Dương làm "trâu vàng" mùa Tết
  • Triển lãm thư pháp và sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh
  • Mê đắm bánh khoái cá kình đầm Chuồn