Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ , Huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa


Thành nhà Hồ nằm ở vùng ranh giới hành chính giữa 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành nhà Hồ có rất nhiều tên gọi như: Thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Giai, Thạch Thành. Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng trong 3 tháng, từ tháng Giêng đến tháng Ba năm Đinh Sửu (1397). Đến năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi, đặt tên nước là Đại Ngu, thành nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô từ năm 1400 – 1407 với tên gọi Tây Đô.

Thành Tây Đô gồm có la thành, thành nội và hộ thành hào. Ngày nay, chỉ còn thành nội là còn nhiều di tích cổ. Thành nội được xây dựng trên một dải đất gần như hình vuông, cạnh đông – tây dài 877 m, nam – bắc dài 880 m, diện tích 771.760m2. Tường thành phía ngoài được xây bằng 7 hàng đá xếp ngang, 2 hàng đá chìm dưới đất tạo thành móng, 5 hàng nổi trên mặt đất. Kích thước của 5 lớp đá nổi trên mặt tính từ trên xuống là 0,4m - 0,6m - 0,8m - 1,0m - 1,1m. Các phiến đá nặng khoảng từ 10 đến 20 tấn. Theo như tính toán, thì toàn bộ phần tường đá có thể tích là 25.000m3, phần tường đất khoảng 80.000m3, tổng diện tích bề mặt đá đo được là 10.111.000 m2.

Thành nội có bốn cổng được xây dựng theo kiến trúc hình vòm gồm có: Nam , Bắc, Đông, Tây với độ cao trung bình từ 6 đến 8 m. Cổng Nam là cổng chính được xây ba cửa, còn các cổng khác chỉ có một cửa. Trong sách sử để lại có miêu tả thành nội có các công trình kiến trúc như: Điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Cực, Đông cung, Đông Thái miếu, Tây Thái miếu. Hiện nay, di vật còn lại là: đôi rồng bậc thềm làm bằng đá với những nét điêu khắc rất tinh xảo, nền móng kiến trúc thành nội, đường lát đá Hoa Nhai, bi đá, đạn đá, đồ gốm sứ, khuôn viên cửa Nam và nhiều hiện vật có giá trị đặc trưng cho văn hóa Trần - Hồ.

Tại Thành Tây Đô, vương triều nhà Hồ đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử của dân tộc như; lập đàn Xã Tắc năm Đinh Sửu (1397), đắp đàn Nam Giao và cử hành lễ tế năm Nhâm Ngọ (1402), tổ chức hai kỳ thi thái học sinh (tương đương với thi Đình) vào năm Canh Thìn (1400), Ất Dậu (1405). Cả hai lần có 190 người thi đỗ, trong số đó có danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi – Người anh hùng dân tộc của đất nước Việt Nam .

Khu di tích thành nhà Hồ đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1962.