Suối khoáng Mỹ Lâm

Suối khoáng Mỹ Lâm Xã Phú Lâm, Huyện Yên Sơn, Tuyên Quang


Với vị trí địa lý chỉ cách Hà Nội 179km, Phú Thọ 72km, Yên Bái 69km, Thái Nguyên 99km, nằm giữa khung cảnh núi rừng bình yên, suối khoáng Mỹ Lâm thực sự là một điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng đối với du khách thập phương.

Những ngày này, khi thời tiết vẫn chưa quá nóng là thời điểm lý tưởng cho chuyến du lịch khám phá vùng Đông Bắc của Tổ quốc và ngâm mình trong làn nước khoáng nóng mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này.

Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc địa phận xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 15km, theo quốc lộ 37. Nguồn nước ngầm trong lòng đất này được nhà địa chất học người Pháp C. Madrolle phát hiện từ năm 1923, với nhiệt độ lên đến 67ºC.  Có mạch nước nằm ở độ sâu hơn 150m, vì vậy, nước khoáng Mỹ Lâm rất trong và có thể uống. Với hàm lượng sulfuahydro trong nước khá cao, chiếm đến 5mg/lít, suối khoáng này còn được gọi với tên là “suối khoáng sulfua”. Đây còn được đánh giá là một trong số ít những mỏ nước khoáng tốt nhất tại miền Bắc nước ta. Như vậy, đã gần 100 năm sau ngày được phát hiện, nhưng nguồn nước nơi đây vẫn rất dồi dào.

Từ những năm 40 của thế kỷ trước, các chuyên gia đã kiểm nghiệm, phân tích và xác nhận nguồn nước Mỹ Lâm có chứa nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là trong việc điều trị các bệnh về cơ, xương, khớp…  Năm 1976, Bộ Y tế đã xây dựng Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm, hiện nay bệnh viện này đã chuyển giao cho tỉnh Tuyên Quang quản lý.

Hàng năm, suối khoáng Mỹ Lâm thu hút hàng nghìn lượt khách gần, xa đến tắm và chữa bệnh. Theo đánh giá, sau thời gian điều trị tại suối khoáng Mỹ Lâm, các bệnh như: cao huyết áp, ngoài da, khớp, vôi hoá cột sống, viêm dây thần kinh tọa, suy nhược cơ thể, hen phế quản, viêm phế quản, viêm đại tràng... có tỷ lệ chữa  khỏi từ 78- 90%.  Nguyên lý chữa bệnh của nước khoáng chính là tác động lên cơ thể để huy động các cơ chế bù trừ và kích thích tăng cường sức đề kháng.

Hiện các dịch vụ quanh khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm còn chưa phát triển. Song nơi này vẫn níu chân du khách bởi phong cảnh thiên nhiên yên ả, hữu tình, người dân hiền hậu, mến khách.

Sau khi tắm, du khách dừng bỏ qua cơ hội thưởng thức những ống cơm lam do những người dân địa phương vừa nướng chín cùng với vị thơm thơm, mặn mặn của vừng đen. Cơm lam ở Mỹ Lâm đã trở thành đặc sản hấp dẫn khách du lịch không chỉ nhờ sự dẻo thơm của gạo nếp nương mà chính từ cách chế biến. Ở nhiều vùng khác, người ta thường cho gạo vào trong ống tre rồi cho vào nồi luộc như bánh chưng, sau đó chỉ nướng qua cho cháy vỏ. Ở đây, du khách sẽ được tận mắt nhìn các ống tre được nướng trên lửa cho đến khi gạo chín tới, dẻo thơm.

Thật không có gì thư thái hơn sau khi ngâm mình trong làn nước ấm áp, lại được thảnh thơi ngồi thưởng thức vị dẻo thơm của những ống cơm lam, căng lồng ngực hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn những làn khói chiều lan tỏa trong không gian. Có chút gì đó hơi buồn, nhưng dễ làm ta nhớ lại những kỷ niệm của một thời thơ bé…