Phá Tam Giang

Phá Tam Giang , Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế


Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á với 21.600 ha diện tích mặt nước, chiếm 48,2% diện tích mặt nước đầm phá ven bờ biển Việt Nam. Nó chạy dài khoảng 27 km bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận của ba huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà,  tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo các nhà nghiên cứu, Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một trong những đại diện hiếm hoi của hệ sinh thái ven biển nhiệt đới với môi trường phức tạp và đa dạng; chứa trong mình vùng đồng bằng châu thổ, vùng nước nông mở, vùng nước với đệm cỏ, các cửa sông và những nhánh sông bao quanh bởi những đụn cát chắn. Chính vì thế, Tam Giang - Cầu Hai có tính đa dạng sinh học rất cao, xứng đáng là một bảo tàng nước, bảo tàng sinh học. Kết quả điều tra gần đây đã thống kê được tổng số loài tại khu vực này là 1.296 loài; trong đó có 41 loài quý hiếm, gồm 295 loài thực vật phù du, 50 loài thực vật bậc cao, 73 loài rong và thực vật thủy sinh (bao gồm 7 loài cỏ biển), 119 loài động vật phù du, 215 loài động vật đáy, 361 loài cá và 137 loài chim.

Đường đi đến phá Tam Giang rất dễ, thuận tiện, chỉ cách trung tâm thành phố Huế khoảng chừng 15km. Du lịch phá Tam Giang chỉ cần 1 ngày tham quan là đủ rồi, tuy nhiên bạn có thể thử trải nghiệm qua đêm tại đây cũng thú vị lắm đấy. Đã đến đây, tốt nhất là đừng suy nghĩ quá nhiều, hãy bật sẵn máy ảnh, điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của Tam Giang mà không thể bỏ lỡ được. Trải nghiệm thú vị nhất là khi bạn được lênh đênh trên chiếc đò, băng qua hệ đầm phá để mà choáng ngợp bởi vẻ đẹp hoang sơ, phóng khoáng mà phảng phất hơi thở trầm mặc khi ngắm ánh nắng bình minh vào sáng sớm hay lúc chiều hoàng hôn buông. Hoàng hôn có lẽ là cảnh đẹp ngoạn mục nhất trên phá Tam Giang mà rất nhiều du khách, nhiếp ảnh gia cố chụp cho được tấm hình chiều buông rủ trên con phá mênh mông sông nước này.

Khi đã du lịch đến đây thì làng chài Thái Dương Hạ, rừng ngập mặn Rú Chá, chợ nổi... là những địa điểm nhất định bạn phải ghé thăm.  Làng chài Thái Dương - một ốc đảo nhỏ cổ kính, xung quanh làng bao phủ bốn bề là nước, mang lại cảm giác bình dị, yên tĩnh. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Các thương lái trên chợ nổi đều là những ngư dân sinh sống trong các làng chài như Thái Dương Hạ, Ngư Mỹ Thạch... Chợ nổi làng Ngư Mỹ Thạch tồn tại đến nay cũng khoảng vài trăm năm. Chợ nổi trên phá Tam Giang luôn diễn ra êm ả nhưng không kém phần sinh động, người bán cũng rất đa dạng, điều này cho thấy nét văn hóa đặc sắc ở vùng đất này đã có từ lâu và trở thành thói quen của ngư dân cùng sông nước Tam Giang. Không chỉ hình thành để buôn bán, phiên chợ này còn là nơi trao đổi, sinh hoạt của những người dân vùng sông nước với nhiều điều thú vị.

Rú Chá là khu rừng nguyên sinh quý hiếm của Phá Tam Giang. Muốn tham quan Rú Chá tất tần tật thì bạn phải đi thuyền vào sâu bên trong. Một không gian thoáng mát, yên bình với những loại cây ngập mặn như sú, vẹt, mắm… như kiểu bạn đang tách biệt hoàn toàn với thế giới quen thuộc ngoài kia luôn, hơn nữa đi thuyền vào Rú Chá còn đánh bay cái nắng gay gắt của những ngày hè oi ả. Đến đây, bạn có thể dạo quanh con đường bê tông nhỏ với vài nhánh rẽ ngắn, hoặc men theo những con đường đất chiêm ngưỡng những bộ rễ chá ma mị, những cành chá hai bên uốn cong đan xen vào nhau như thánh đường khiến rất nhiều cặp đôi tìm đến đây để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ trong đời.

Sau một hồi đi thuyền dọc ngang con phá, không gì thú bằng ghé lại một quán ăn ngay đầu con đò ngang, hay xin lên những gian nhà chồ nằm rải rải trên mặt nước, uống một ly nước và chờ mấy bác ngư dân đi ngang. Tôm cá, ghẹ nhảy tanh tách tươi ngon chỉ ở đầm phá mới có. Món cá hấp đã ngon, ngao cũng không kém phần thơm ngọt dù ngao ở vùng phá này nhỏ hơn ngao ngoài biển. Ghẹ đặc biệt nhỏ chỉ bằng 3 ngón tay, nhưng ngọt, chắc và giá cả sẽ khiến bạn giật mình vì chỉ rẻ bằng nửa so với ghẹ ngoài biển.

Chỉ cần một ngày trải nghiệm tại đây, bạn cũng đủ cảm nhận được nét đẹp của vùng đầm phá, yêu vô cùng xứ sở này dẫu chỉ một lần ghé ngang./.