Lăng Kinh Dương Vương

Lăng Kinh Dương Vương Thôn Á Lữ, Xã Đại Đồng Thành, Huyện Thuận Thành, Bắc Ninh


Có một khu di tích cổ gồm đền thờ, Lăng Kinh Dương Vương, người được tôn là bậc thủy tổ nước Nam, mở ra thời đại các vua Hùng, làm rạng rỡ non sông đất Việt, nằm tại ấp Phúc Thần, làng Thần Thủy, nước Xích Quỷ (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vẫn còn được ít người biết đến.

Ngôi đền thờ và lăng mộ Thủy Tổ bình dị, khiêm nhường tọa lạc trên một khu đất bãi ven bờ ở ngoài đê, cách dòng Đuống ngày nay khoảng 500m. Lăng xưa, rợp bóng đại thụ, tạo cảnh quan tĩnh mịch, uy nghiêm. Thời thuộc Pháp khu lăng bị tàn phá trơ trụi, mãi đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ mới có điều kiện quy hoạch và tôn tạo khang trang, thoáng mát mà vẫn đậm đặc dấu ấn của kiến trúc cổ.

Lăng Kinh Dương Vương được ghép toàn bộ bằng đá xanh, kiến trúc đơn giản theo kiểu chồng diêm tám mái, tám đao dốc, nền lăng được tôn cao, xung quanh có tường rào bảo vệ. Mặt trước Lăng nhìn ra sông Đuống, có bậc đá lên xuống sát mép nước, tiếp đó là 4 trụ cổng tam môn bằng đá xanh cao vút với đôi rồng đá uốn mình, đầu ngẩng cao chầu vào và những trụ đèn lồng hai bên cánh phong đắp nổi hình các cư dân Việt cổ săn bắn, hái lượm như ta thường thấy trên mặt trống đồng.

Kinh Dương Vương là ai?

Đền thờ Kinh Dương Vương nằm phía trong đê. Tại gian tiền tế có hai bức đại tự: “Nam bang Thủy Tổ” (Ông Tổ nước Nam) và “Thần Tiên Thiên tử” (con của Thần, Tiên và Trời). Gian hậu cung có 3 ngai thờ. Ngai giữa thờ Kinh Dương Vương với bức đại tự: “Nam bang Thủy Tổ” (Ông Tổ nước Nam; Bên phải thờ Lạc Long Quân với bức đại tự: “Hải khoát sơn tràng” (Sông rộng, núi dài); Bên trái thờ Âu Cơ với bức đại tự: “Bách Việt Tổ” (Tổ Bách Việt) và một số hoành phi, câu đối chữ Hán.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng, vào năm 1840 thời vua Minh Mệnh, lăng được trùng tu Kinh Dương Vương có nguồn gốc từ phương Bắc. Nguyên Đế Minh là cháu bốn đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, cưới Vụ Tiên nữ, sinh ra người con trai tư chất thông minh, sức khỏe hơn người, đặt tên là Lộc Tục và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, cai trị đất nước khoảng từ năm 2879 TCN …

Các cụ cao niên làng Á Lữ, nơi nghìn đời nối nhau giữ gìn, hương khói lăng mộ và đền thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương cho biết, nhân dân địa phương còn giữ được hàng chục sắc phong của các vương triều phong kiến, qua đó khẳng định nơi đây là lăng tẩm bậc đế vương, hàng năm thờ phụng theo nghi lễ quốc khánh, có quan triều đình về làm chủ lễ. Thần phả làng Á Lữ cũng ghi, Lộc Tục là một trang nam nhi có tư chất thông minh, tài đức hơn người. Sau khi được vua cha phong làm vua phương Nam, Lộc Tục thành  lập bộ tộc Dâu, đóng lỵ sở tại Liên Lâu (Luy Lâu, nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), đặt Quốc hiệu là Việt Thường, xưng là Kinh Dương Vương, lấy Long Nữ là con gái Động Đình Quân, đẻ ra Sùng Lãm.

Năm 2789 (TCN) đổi Quốc hiệu là Xích Quỷ (tên một ngôi sao có màu đỏ, sáng nhất trong 28 ngôi sao trong Nhị thập Bát Tú), rồi mất. Sùng Lãm nối ngôi vua cha, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết quyên cùng Âu Cơ, sinh ra một trăm người con trai, trong đó người con cả tiếp tục được truyền ngôi, lấy hiệu là Hùng Vương (vua mạnh).

Lớn lên, Hùng Vương thấy đất Luy Lâu trống trải, thắng thì có chỗ xông lên, nhưng thua thì không có đất lùi, mới dời lên Nghĩa Lĩnh (Phong Châu, Phú Thọ), có thế ỷ dốc, dựng đô, đổi Quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ. Bộ quê nhà gọi là bộ Vũ Ninh và truyền được 18 đời…

Kinh Dương Vương mất ngày 18 tháng Giêng (không rõ năm) tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh (nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Để tưởng nhớ Tổ tiên, hàng nghìn đời nay, vào ngày giỗ Kinh Dương Vương (18/1 âm lịch hàng năm), dân làng Á Lữ lại mở hội để tưởng nhớ đến người đã khai sinh đất Việt, cũng là việc tri ân các bậc Vương Tổ đã sinh ra vua Hùng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Năm 2013, tỉnh Bắc Ninh quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hoá quốc gia Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương đi kèm các dịch vụ phụ trợ để phát triển du lịch văn hoá tâm linh, nâng tầm lễ hội, xứng với vai trò, vị trí lịch sử của người được phụng thờ tại đây: Đức Kinh Dương Vương – người khai thiên lập quốc, vị Thủy Tổ của toàn dân tộc Việt.