Làng gốm Thổ Hà

Làng gốm Thổ Hà Làng gốm Thổ Hà thuộc vùng Kinh Bắc, nằm ven dòng sông Cầu, Xã Vân Hà, Huyện Việt Yên, Bắc Giang


Nghề gốm Thổ Hà có từ thế kỉ 12 và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng.

Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ. Thổ Hà đã là một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc.

Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng bề thế uy nghi.

Trong làng lưu truyền câu chuyện ông tổ nghề gốm làng Thổ Hà là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Vào cuối thời Lý, ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú cùng làm quan trong triều và được cử đi sứ Bắc Tống (960 – 1127).

Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông gặp bão, phải nghỉ lại.

Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được kỹ thuật làm gốm.

Về nước Đào Trí Tiến truyền nghề làm hàng gốm sắc đỏ thẫm cho Thổ Hà, Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm hàng gốm sắc trắng cho Bát Tràng, Lưu Phong Tú truyền nghề làm hàng gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng.

Trước đây lễ dâng hương Tổ nghề gốm (suy tôn cả ba ông) hàng năm được các nhà làm nghề gốm ở Thổ Hà tổ chức luân phiên nhau tại gia đình.

Vì có lịch sử hình thành và phát triển hưng thịnh lâu đời nên làng gốm Thổ Hà hiện nay còn lưu lại rất nhiều di tích cổ mang đậm giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Trong đó phải kể đến Đình làng Thổ Hà được dựng năm 1692, đây là công trình văn hóa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Hoa văn rồng phượng ẩn hiện trong mây hài hòa cùng người và cỏ cây, hoa lá, muông thú còn ghi lại dấu ấn bàn tay tài hoa của người thợ khắc.

Đi vào trong làng, kỳ thú nhất là những ngõ nhỏ. Một màu đỏ của thứ gạch cũ kĩ đã mòn vẹt, trơ ra thần thái của những bước chân thời gian, ngõ nhỏ heo hút, tường xếp chằn chặn một thứ sành nâu đen bóng.

Khách đến nơi đây thường có ấn tượng đặc biệt với những ngõ xóm hun hút đẹp một vẻ cổ kính, hoài niệm mà lại dân dã, lắng đọng.