Khu di tích lịch sử Nà Tu

Khu di tích lịch sử Nà Tu Cách thị xã Bắc Kạn 9km về phía bắc, Xã Cẩm Giàng, Huyện Bạch Thông, Bắc Kạn


Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong Tà Nu là nơi Bác Hồ gặp gỡ và tặng lực lượng Tình Nguyện Xung Phong 4 câu thơ “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”; được xây dựng từ năm 2016 - 2018 với tổng mức đầu tư là 38,3 tỷ đồng bao gồm các hạng mục như cụm tượng bác Hồ với TNXP, nhà đón tiếp, phòng thờ bác Hồ, sân vườn tường rào, các khu phụ trợ.

Năm 1996, Bộ Văn hoá – Thông tin (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã công nhận, xếp hạng di tích Nà Tu là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích được tôn tạo khang trang gồm nhà sàn tưởng niệm Bác Hồ; nhà bia, lán thanh niên xung phong và các công trình phụ trợ.Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, đoàn viên thanh niên trong cả nước và du khách đến thăm.

Đây là nơi đóng quân của đội thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo về cầu Nà Cù (cây cầu trọng yếu trên tuyến Quốc lộ 3 để đảm bảo giao thông trên tuyến được thông suốt, phục vụ cho tiền tuyến). Đây là nơi ngày 28/3/1951 diễn ra một sự kiện đặc biệt giữa Bác Hồ và thanh niên xung phong.

Tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, cần huy động hàng chục nghìn nhân công trẻ, khỏe để phục vụ kháng chiến. Lực lượng này bao gồm những thanh niên niên tình nguyện, dân công mở đường, bảo vệ cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược vì mục tiêu “tất cả cho chiến dịch toàn thắng”. Lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ thị cho Trung ương đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập đội thanh niên xung phong để phục vụ chiến trường.

Ngày 15/7/1950, đội thanh niên xung phong được thành lập. Sau chiến dịch, biên giới Việt - Trung được khai thông, đường số 3 không những trở thành con đường chiến dịch của ta trên chiến trường Bắc Đông Dương, mà còn là con đường giao thông huyết mạch của cả nước. Đây là tuyến đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên, qua Bắc Kạn, vượt Đèo Giàng, đèo Gió lên Cao Bằng, gặp đường 4 (Cao Bằng- Lạng Sơn- Móng Cái), từ Quốc lộ 3 còn có nhiều tuyến đường giao thông nối liền với các tỉnh bạn, thuận tiện cho việc vận chuyển lên biên giới Việt -Trung.

Lúc đó thấy rõ tầm quan trọng của đường số 3, thực dân Pháp đã tập trung không quân đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược này. Để đảm bảo giao thông cho chiến khu Việt Bắc, các đội Thanh niên xung phong được giao nhiệm vụ bảo về dọc tuyến Quốc lộ 3, đảm nhận việc bảo vệ, sửa chữa con đường huyết mạch của cuộc kháng chiến.

Ngày 19/3/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tới vùng Biên giới để kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, thăm các lực lượng thanh niên xung phong và một số đơn vị vận tải, kho hàng dọc tuyến.

Ngày 28/3/1951, tại Khu rừng Nà Tu, đội thanh niên xung phong 312 đã vinh dự được đón Bác, đi cùng Bác còn có đồng chí Trần Đăng Ninh- Tổng cục trưởng Tổng cục Lương thực, sau khi đến bắt tay thanh niên và ân cần thăm hỏi, bất ngờ Bác hỏi: “Các cô, chú đào núi có khó không”, đồng thanh anh chị em xung phong lên tiếng: “Thưa Bác không ạ”, “Vậy các cô, chú có lấp được biển không”, có tiếng rụt rè trả lời: “ Thưa Bác! Chúng cháu chưa bao giờ nhìn thấy biển ạ”. Bác cười và nói “ Đào núi và lấp biển, hai việc tuy khó nhưng nếu có ý chí quyết tâm, chúng ta đều có thể thực hiện được, nói rồi, tức khẩu thành thơ, Bác đọc tặng đội thanh niên xung Phong 312 bốn câu thơ.

Sự kiện Bác Hồ đến thăm đội thanh niên xung phong 312 tại Nà Tu và tặng bốn câu thơ là nguồn cổ vũ to lớn đối với các chiến sĩ trẻ trên mặt trận đảm bảo giao thông, bốn câu thơ Bác tặng đội thanh niên xung phong đã được đồng chí Dương Thiết Sơn (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn) người đưa Bác đi thăm đơn vị đã chuyển cho Trung ương đoàn và được nhạc sĩ Hoàng Hà phổ nhạc thành bài hát “ Thanh niên làm theo lời Bác”. Từ đó lời dạy của Bác trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của các thế hệ thanh niên Việt Nam, luôn quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.