Khu di tích Gò Tháp

Khu di tích Gò Tháp Ấp 1, Xã Tân Kiều, Huyện Tháp Mười, Đồng Tháp


Trong những năm qua, từ kết quả nghiên cứu về khảo cổ học và lịch sử cho thấy rằng Gò Tháp là nơi hội tụ nhiều giá trị nổi bật về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, sinh thái và biểu hiện rõ rệt nhất là những giá trị văn hóa tâm linh qua các di tích tín ngưỡng, tôn giáo như di tích Đền thờ Thiên Hộ Võ Duy Dương và đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của 02 vị anh hùng dân tộc quên mình cứu nước, lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp (1862-1866). Những trận đánh do hai ông tổ chức đã bao phen làm cho thực dân Pháp mất ăn, mất ngủ, thiệt hại nặng nề. Đây là công trình mang ý nghĩa sâu sắc, thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nhằm ghi nhớ công ơn to lớn của các bậc tiền nhân có công với đất nước và giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Cùng với các di tích thờ các vị anh hùng dân tộc, trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa ở Gò Tháp còn có di tích thờ Bà Chúa Xứ mang đậm nét tín ngưỡng dân gian. Miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp được cư dân trong vùng dựng lên để thờ Bà - Người Mẹ Xứ Sở của Đồng Tháp Mười nhằm thể hiện lòng tôn kính đối với vị nữ thần linh người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng đem lại cái ăn cái mặc cho người dân sống quanh vùng, đồng thời để người dân có nơi sớm hôm cúng viếng Bà. Qua đó thể hiện ước mơ của con người mong muốn vạn vât sinh sôi nảy nở, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời thể hiện đạo lý và những nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của tổ tiên để lại. Bên cạnh tín ngưỡng thờ Bà chúa xứ sở thì tại Gò Tháp còn có tín ngưỡng dân gian thờ Hoàng cô. Theo truyền thuyết dân gian Hoàng cô là em gái vua Gia Long, vào khoảng thế kỷ XVIII lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu vào Nam, có lúc ẩn cư tại Gò Tháp, Hoàng Cô mất tại đây, được nhân dân chôn cất và xây dựng miếu thờ. Ngoài các di tích đền miếu, Khu di tích Gò Tháp còn có di tích Chùa Tháp linh hay còn gọi là Tháp cổ tự. Chùa được cư dân người Việt cất đơn sơ thời vua Thiệu Trị (1841-1847) để thờ Phật, cầu an cho người dân khẩn hoang lập nghiệp sống được bình yên, ấm no, hạnh phúc. Ngôi chùa bị tàn phá trong chiến tranh nên bị hư hỏng nhiều. Sau ngày miền Nam giải phóng, thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo, năm 1992 Ủy ban nhân dân Tỉnh chủ trương cho Ban Hội Hương đứng ra vận động xây dựng lại ngôi chùa khang trang như ngày hôm nay, để tín đồ phật tử có nơi tôn nghiêm thờ cúng và hành đạo.

Song song đó, hàng năm tại Khu di tích Gò Tháp còn có 02 kỳ lễ hội truyền thống lễ Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 âm lịch và Lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều vào rằm tháng 11 âm lịch. Lễ hội Gò Tháp mang đậm tính chất dân gian truyền thống thể hiện lòng tri ân thành kính đối với các bậc tiền nhân, niềm tin sâu sắc với các thần linh, qua lễ hội phản ánh những khát vọng và ước mong tha thiết của người nông dân Đồng Tháp Mười. Chính vì thế lễ hội Gò Tháp đã trở thành lễ hội truyền thống đặc trưng ở Nam Bộ. Mỗi dịp lễ hội, nhịp sống của người dân nơi đây diễn ra hối hả, nhộn nhịp theo từng đoàn khách thập phương từ các nơi đến cầu tài, cầu lộc và được hòa mình vào không khí lễ hội dân gian, được thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc như múa hát, trò chơi dân gian, văn hóa, nghệ thuật rất phong phú làm cho con người quên đi những vất vả của cuộc sống thường nhật để tìm đến với nhau trong đồng cảm hướng về cái chân thiện mỹ.

Thông qua những điểm di tích tín ngưỡng, tôn giáo ở Gò Tháp cho chúng ta thấy được những giá trị đáng trân quý về vùng đất Gò Tháp đầy sự hy sinh vĩ đại của các anh hùng dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; với sự chở che, bao bọc của mẹ đất đem đến mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an; một niềm tin mới về cuộc sống ấm no, hạnh phúc và sự phù trợ của đức Phật... Tất cả đã tạo nên một giá trị văn hóa truyền thống ở Gò Tháp mang đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười và của cả Nam Bộ. Cùng với tiến trình lịch sử, giá trị văn hóa tâm linh qua các di tích lịch sử văn hoá ở Khu di tích Gò Tháp vẫn luôn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bồi đắp những giá trị đạo đức quý báu, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong cuộc sống hôm nay.