Khu ATK, Chợ Đồn Bắc Kạn

Khu ATK, Chợ Đồn Bắc Kạn Thuộc quần thể di tích Việt Bắc, Thị trấn Bằng Lũng, Huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn


Khu di tích lịch sử ATK – Chợ Đồn (Bắc kạn) thuộc quần thể di tích Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)...

Khu di tích lịch sử ATK – Chợ Đồn (Bắc kạn) thuộc quần thể di tích Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện Đại Từ, Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn nhận nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng: Được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn là An toàn khu của cuộc kháng chiến. Mảnh đất này lại được đón nhận, che trở cho các cơ quan Trung ương và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Vinh dự và tự hào thay cho cả dân tộc, huyện Chợ Đồn đã được đón Bác Hồ về ngày 8/12/1947 để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Trong thời gian từ năm 1947 đến 1951, Bác đã ở và làm việc tại Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung), Nà Pậu (xã Lương Bằng). Huyện Chợ Đồn còn chứng kiến sự có mặt của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá); Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng); xóm Nà Quân (xã Bình Trung) được chọn làm điểm đặt hội trường Trung ương Đảng trong các năm từ 1947 đến 1952, là nơi diễn ra Hội nghị tổng kết Chiến dịch biên giới. Các địa danh này đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1952, hầu hết các cơ quan Trung ương đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Vô tuyến điện, Nha kỹ thuật quân sự, Trường Quân chính, Xưởng quân giới, Xưởng in báo Cứu Quốc, Trạm phẫu thuật quân y...

Từ khi được chọn là An toàn khu, Đảng bộ, chính quyền non trẻ Chợ Đồn có nhiệm vụ trọng đại là bảo vệ căn cứ An toàn khu. Công việc khẩn trương của Đảng bộ, chính quyền Chợ Đồn lúc ấy là làm trong sạch địa bàn, chống chiến tranh gián điệp, củng cố thông tin liên lạc... Phong trào thi đua sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến được đẩy mạnh trong toàn dân. Tất cả mọi người ở đây đều nêu cao ý thức giữ gìn bí mật, hết lòng đùm bọc che chở cho các cơ quan Trung ương. Thanh niên Chợ Đồn hăng hái xung phong gia nhập bộ đội chủ lực đi đánh Tây kháng chiến, tình nguyện tham gia các Liên đội thanh niên xung phong làm đường giao thông...

Đến với khu di tích ATK – Chợ Đồn, ngoài việc tham quan các di tích lịch sử truyền thống, du khách còn rất nhiều cơ hội tìm hiểu đời sống người dân địa phương, khám phá những nét đẹp văn hoá mà chỉ nơi này có được, đồng thời chứng kiến cảnh sắc ngày một đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.