Hang Thẩm Váng
Hang Thẩm Váng Bản Co Hóm, Xã Búng Lao, Huyện Mường Ảng, Điện Biên
Từ Điện Biên đến Mường Ảng, nơi có hệ thống núi đá vôi rải rác khắp vùng thung lũng thuộc cánh đồng xã Xuân Lao, cũng là nơi có hang sâu mang tên Thẩm Váng, mất ít nhất ba giờ xe chạy.
Trong bản đồ du lịch thám hiểm hang động, hang Thẩm Váng là cái tên mới toanh, xa lạ ngay cả với những người bản địa quanh vùng Xuân Lao, Mường Ảng. Theo mô tả của dân địa phương, Thẩm Váng là hang động thuộc hệ núi đá vôi, có một cửa trổ ra giữa lưng chừng núi, được chọn là cửa vào, rồi từ đó luồn xuống tầng sâu, lắt léo qua hốc, ngách nhỏ hẹp đầy nguy hiểm và bắt vào dòng Nậm Húa chảy quanh cánh đồng qua các bản Chiềng Xôm, Pha Hún, Món Hà, Chiềng Lao…
Theo tiếng Thái bản địa, Thẩm có nghĩa là “hang”, còn Báng hay Váng nghĩa là “bỏ”. Xa xưa, cư dân quanh vùng khi đời sống vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, người chồng bỏ vào rừng, lấy hang Thẩm Váng làm nơi dung thân cho những ngày… hờn dỗi. Thế nên người ta lấy ý nghĩa vợ chồng bỏ nhau để định danh cho hang Thẩm Váng. Do ý nghĩa không mấy tốt đẹp, cộng với đường lên hang trắc trở, dân bản xứ hiếm khi lui tới hang động này, bởi dễ bị hiểu lầm rằng gia đình có chuyện nên mới bỏ nhà lên hang.
Đang mùa mưa lũ, một chuyến lên hang rừng, hẳn không mấy lý tưởng như chuyến dạo chơi thông thường, nhưng thôi đã trót thì đành. Ngày đến hang Thẩm Váng, cả vùng thung lũng dưới chân núi vắng tanh, không bóng người. Con đường mòn nối vào chân núi, chỉ đủ một người đi. Những cơn mưa rừng để lại hậu quả là sình lầy, đất trơn như mỡ. Lọ mọ đi mãi vào chân núi, đến được nương cà phê xanh tốt, thật may khi gặp được ông chủ đất Phan Nhất. Nghe chuyện đi hang, Nhất nhiệt tình làm người dẫn đường. Hành trang mang theo là con dao phát rẫy và một tâm trạng đầy hồi hộp của khách phương xa, bởi chỉ sau khi ra khỏi nương cà phê, đường khi ấy chẳng ra đường, cỏ cây, lá mục, phủ kín lối.
Hành trình lên Thẩm Váng lại có thêm nỗi ám ảnh nữa là lá nàng Hai, thật may “món ăn chơi” này đã từng gặp qua ở vùng hang động thuộc Phong Nha – Kẻ Bàng, để biết tránh. Nàng Hai nhìn bề ngoài thì long lanh, xanh mướt, một mặt phủ lông tơ trắng nõn nà, mặt kia đẹp dịu dàng xanh lá, to như bàn tay xòe, mọc khắp lối đi. Người đi rừng vô tình quệt phải, thì ôi thôi, đau rát như bỏng lửa, vết thương ban đầu chỉ hơi nổi màu đỏ, rồi cơn ngứa ùa về, càng gãi càng xoa nó càng lan quanh, tiếp đến là cảm giác bỏng rát đến khủng khiếp, mất độ đôi ba ngày mới lành.
Bên cạnh sát thủ nàng Hai, đường lên Thẩm Váng còn sở hữu đàn muỗi đông như quân Nguyên, leo dốc bở hơi tai nhưng không ai dám dừng bước vì chỉ sợ làm mục tiêu cho muỗi bày đại tiệc. Đi mãi, rồi cửa hang mênh mang cũng mở ra trước mặt, nhờ là cửa hang khô nên lớp thạch nhũ, đá vôi bị phong hóa, rêu phong phủ kín, tạo hình hài đầy bí ẩn. Đính trên vòm hang cao áng chừng trên 50m ấy là gần chục tổ ong khoái (một loại ong mật), bám trĩu mật, lúc lỉu rung rinh mỗi khi có cơn gió ùa về.
Phan Nhất bảo mỗi mùa ong đẫm mật, người Thái dưới thung lũng sẽ mang các cây tre, trúc, cài vào đá núi để men theo vách đá lấy mật ong về dùng. Nhìn vách đá dựng đứng, trên đó vẫn còn sót lại những thanh tre của mùa lấy mật trước, thật tình không dám hình dung đến công việc đánh đổi mạng sống lấy kèo ong kia. Với phương tiện hạn hữu đem theo, tôi tiến sâu dần vào lòng hang, chỉ được hơn trăm mét, mọi mối liên lạc với bên ngoài bị chia cắt, kể cả ánh sáng cũng không có cơ hội len lỏi vào. Một vùng tăm tối, u u minh minh bên những thạch trụ triệu năm, nối từ vòm hang xuống mặt sàn, gồ ghề, bí ẩn. Người dẫn đường Phan Nhất bảo cả vùng chỉ độ mươi người, họ đều là dân đi núi lão luyện mới đủ khả năng đi hết lòng hang.
Đứng từ trong lòng hang nhìn ra cánh đồng Xuân Lao, chợt thấy nét quen của Thẩm Váng với cửa ra Hang Én (Quảng Bình). Nhiều kết cấu địa tầng trong hang như thạch nhũ ruộng thang, các hố sụt, vết đứt gãy địa chất… tương đồng với chuỗi hang động đá vôi ở Phong Nha – Kẻ Bàng như Sơn Đoòng, Hang Tiên, Hang Tú Làn… Chỉ có cái khác, ấy là sự thanh vắng đến rợn người. Tiếng muỗi vo ve, tiếng giọt nước vang vọng dội vào vách đá, thỉnh thoảng là tiếng kêu như thất thanh của chú chim én lạc bầy, ngoài cửa hang thì ánh chiều dần buông, thật là một khung cảnh dễ khơi niềm cô đơn, sầu thảm. Khám phá những ngóc ngách thú vị của Thẩm Váng, chỉ thấy bóng dơi bay lượn và dấu chân của bầy khỉ trú ẩn trong hang, không chút vết tích người bản địa dỗi vợ bỏ nhà lên hang trú khi xưa. Cũng phải, bởi những hoang vu bí ẩn nơi thâm sơn cùng cốc, hẳn khiến những kẻ dỗi nhà phải dập đầu suy nghĩ lại, quay về với mái ấm còn hơn kết bạn với cô đơn.